Vị lãnh đạo tỉnh với day dứt không có đất, người dân làm sao thoát nghèo?
(Dân trí) - Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, muốn người dân thoát nghèo thì giải pháp căn cơ phải tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập. Người dân thiếu đất sản xuất phải được cấp đất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bình Định, toàn tỉnh này còn 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong đó, nghèo với nguyên nhân có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn là 6.049 hộ; 4.968 hộ nghèo do không có lao động; 3.482 hộ không có công cụ, phương tiện sản xuất; 2.849 hộ không có kỹ năng lao động, sản xuất; 2.262 hộ không có kiến thức về sản xuất; 1.578 hộ không có vốn sản xuất, kinh doanh; 910 hộ không có đất sản xuất và 6.991 hộ do nhiều nguyên nhân khác.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho hay: "Thời gian qua, hoạt động giảm nghèo trở thành phong trào sâu rộng, được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương phối hợp, tổ chức thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đúng đối tượng.
Cùng với đó, các ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến cuối năm 2024 sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra là đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung cả nước".
Bà Hạnh cho biết thêm, trên cơ sở thực trạng các nguyên nhân nghèo, các địa phương đã rà soát hộ nghèo, cận nghèo và thành viên trong hộ để có giải pháp cụ thể.
Trong đó, bố trí đất sản xuất cho 379 hộ nghèo, cận nghèo; chuyển đổi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghề cho 8.754 lao động; giới thiệu việc làm cho 2.382 người lao động; hỗ trợ 29 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tham gia xuất khẩu lao động; hỗ trợ 4.085 hộ vay vốn; hỗ trợ 10.389 hộ tham gia các dự án phát triển sản xuất cộng đồng, liên kết theo chuỗi giá trị...
Riêng với huyện nghèo An Lão, cuối năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 17,23%; đến cuối năm 2025 tỷ lệ này còn dưới 6%.
Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng vấn đề lớn nhất trong giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là tạo việc làm, nâng thu nhập của người dân.
Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cộng đồng, sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Đặc biệt, rà soát chặt chẽ từng vấn đề của từng hộ ở từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Các huyện miền núi trong tỉnh phải sớm hoàn thành việc giao đất cho hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, phát triển kinh tế.
"Đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đất là tư liệu sản xuất, không có đất làm sao sản xuất, tăng thu nhập để mà thoát nghèo?", ông Giang nói.
Theo ông Giang, vấn đề hiện nay là phải triển khai đồng bộ, quyết liệt với tinh thần, trách nhiệm cao nhất của các cấp, ngành, địa phương.
Cùng với đó, tuyên truyền kịp thời các gương điển hình trong lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo, các mô hình hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo biết và học tập, noi theo.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương đánh giá cụ thể hiệu quả của công tác giảm nghèo trong từng tháng. Từ đó, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp cho giai đoạn sau.