Ước vọng tháng 7 của người vợ liệt sĩ hơn nửa thế kỷ khắc khoải chờ chồng

Hoàng Lam

(Dân trí) - Đến nghĩa trang, thắp hương trên từng phần mộ liệt sĩ, nhìn cảnh đoàn tụ âm dương, bà Phạm Thị Bảo ngậm ngùi. Chồng bà - liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc, đang nằm đâu đó trên dải đất hình chữ S, chưa về...

Bóng bà Phạm Thị Bảo (78 tuổi, trú thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) liêu xiêu đổ xuống trong ánh nắng chiều tháng 7. Hòa giữa dòng người về viếng mộ, thắp hương tri ân các liệt sĩ, dáng bà trở nên lẻ loi hơn. Nhiều năm qua, cứ dịp 27/7, bà lại đến nghĩa trang, viếng hương hồn các liệt sĩ và cầu mong chồng mình - liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc (SN 1943) sớm trở về...

Ước vọng tháng 7 của người vợ liệt sĩ hơn nửa thế kỷ khắc khoải chờ chồng - 1

Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, nơi an nghỉ của gần 11.000 liệt sĩ.

17 tuổi, bà làm vợ người đàn ông hơn mình một tuổi. Hai năm mặn nồng, chưa kịp có được mụn con thì ông lên đường "đi B dài".

"Năm 1961 ông ấy đi, năm 1962 ông ấy về phép 15 ngày, tôi có đứa thứ nhất. Năm 1964, mẹ chồng tôi mất, ông về được một tháng, tôi có thai đứa thứ 2. Năm 1967, tôi nhận được giấy báo tử của ông ấy, chỉ ghi "hi sinh ở mặt trận phía Nam", bà Bảo kể. 

Cả cuộc đời gần 80 năm của bà chỉ gói gọn trong từng đó mốc thời gian, còn lại là những năm tháng khắc khoải nhớ mong.

Ước vọng tháng 7 của người vợ liệt sĩ hơn nửa thế kỷ khắc khoải chờ chồng - 2

Bà Phạm Thị Bảo tới viếng nghĩa trang liệt sĩ, dù người chồng của bà vẫn chưa được tìm thấy và quy tập về đây.

Tính ra, bà chỉ được gần chồng 2 năm, một tháng, 15 ngày. Chiến tranh đã cướp đi của bà người chồng thân yêu, cướp đi của bà niềm hạnh phúc được làm vợ và để lại nỗi buồn thương đằng đẵng...

Bà thủy chung thờ chồng, nuôi hai con khôn lớn. Khi cuộc sống ổn định, con cái yên bề gia thất thì bà đã già, muốn đi tìm chồng cũng không thể đi được nữa.

"Có anh em trong miền Nam, đi mấy nghĩa trang liệt sĩ lớn để tìm mà chưa thấy ông ấy. Giờ cũng không biết ông ấy được đưa vào nghĩa trang liệt sĩ nào, hay đang nằm trong rừng...", bà hướng đôi mắt mờ đục ra khoảng trống trước mặt, nơi những ngôi mộ chí có tên và chưa có tên im lìm trong nắng chiều.

Ước vọng tháng 7 của người vợ liệt sĩ hơn nửa thế kỷ khắc khoải chờ chồng - 3

Bà Bảo ước rằng người chồng liệt sĩ của bà đã được đưa về nghĩa trang nào đó, yên nghỉ bên đồng đội...

Bà Bảo cho biết nhiều năm nay, vào dịp lễ, Tết, hay 27/7, bà đều lên đây thắp hương cho các liệt sĩ. Nhìn những ngôi mộ có người thân quây quần bên, bà mừng cho từng gia đình nhưng lại tủi phận mình và thương chồng. Bà ước, ông đã được đưa về nghĩa trang nào đó, yên nghỉ bên đồng đội. Ít nhất, như thế bà cũng an lòng hơn...

Ông Nguyễn Văn Thắng (tổ dân số 3, thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) lang thang trong nghĩa trang, gặp thân nhân liệt sĩ đến viếng mộ, ông ghé vào trò chuyện. Khấn vái xong trước phần mộ của người anh trai - liệt sĩ Nguyễn Văn Chử (quê Hội Sơn, Anh Sơn), bà Nguyễn Thị Châu mới có dịp tiếp chuyện ông Thắng.

Ước vọng tháng 7 của người vợ liệt sĩ hơn nửa thế kỷ khắc khoải chờ chồng - 4

Bà Nguyễn Thị Châu đến viếng phần mộ của hai người anh và cháu họ hi sinh, được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào.

"Bên ngoại tôi có hai người anh, một người cháu là liệt sĩ, được quy tập về đây cả rồi. Còn ông bác bên nhà chồng, cũng là liệt sĩ nhưng tìm kiếm bấy lâu nay chưa thấy. Tôi đưa các cháu tới đây, thắp hương tưởng nhớ các ông, các bác, mong mọi người phù hộ để tìm được ông bác bên chồng, anh ạ", bà Châu tâm sự với ông Thắng.

"Thế cũng tạm yên lòng rồi chị ạ. Hai cụ nhà tôi khi nhắm mắt xuôi tay, chỉ trăn trối một điều là tìm và đưa anh Thành nhà tôi về. Bao năm nay, tôi đi tìm khắp các nghĩa trang lớn nhỏ mà chưa thấy. Nghĩ mà thương anh tôi, thương hai cụ nhà tôi quá", ông Thắng nói, đôi mắt đỏ hoe.

Ước vọng tháng 7 của người vợ liệt sĩ hơn nửa thế kỷ khắc khoải chờ chồng - 5

Ông Nguyễn Văn Thắng nhớ về người anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Thành. Đến nay, phần mộ của liệt sĩ Thành vẫn chưa được tìm thấy.

Ông kể, nhà ông có 7 anh chị em, được bố mẹ đặt tên lần lượt là Trung - Thành - Yêu - Hòa - Bình - Thắng - Lợi. Anh Thành (SN 1948) là con thứ 2. Năm ông Thắng 12 tuổi thì người anh trai đã là một thợ cơ khí lành nghề.

"Nhà tôi có 6 anh em trai nhưng chưa ai tham gia quân đội. Anh tôi xung phong tòng quân nhập ngũ. Trước khi đi, anh nói với ba mẹ tôi: "Con được ba mẹ nuôi ăn học đến nơi đến chốn nhưng nợ nước, con phải đi. Nếu may mắn được trở về, con xin báo hiếu ba mẹ sau". Anh huấn luyện ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) rồi đi thẳng vào Nam, là lính trinh sát của tiểu đoàn. Anh Thành tôi đi một mạch đến giờ...", giọng ông Thắng nghẹn lại.

Ước vọng tháng 7 của người vợ liệt sĩ hơn nửa thế kỷ khắc khoải chờ chồng - 6

Mỗi dịp tháng 7, lễ, Tết, ông Thắng lại đến nghĩa trang để thắp nén hương lên anh linh các liệt sĩ, để khuây khỏa nỗi niềm trĩu nặng bởi nỗi đến nay, lời hứa trước khi cha mẹ lâm chung vẫn chưa thực hiện được.

Tháng 4/1972, gia đình ông Thắng nhận được giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thành. Tấm giấy chỉ ghi vẻn vẹn dòng chữ "hi sinh ở mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang của đơn vị". Nhiều năm, ông Thắng cất công đi tìm anh, nghĩa trang nào cũng ghé vào. Cứ mỗi chuyến đi trở về lòng lại nặng trĩu, nỗi buồn cứ chất chứa dày thêm. Bởi vậy, những ngày này, ông đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào cho khuây khỏa.

Nhìn mọi người đi viếng mộ, ông lại thêm tủi, thêm buồn. Bước chân như vô định, ông lang thang khắp nghĩa trang mênh mông, không khóc mà mắt cứ nhòe ra. Ông cầm bó hương, lần lượt cắm xuống từng phần mộ. Ở một nghĩa trang nào đấy, biết đâu, anh trai ông cũng ấm lòng bởi nén hương tri ân và đang đợi ông đến để đón về, đoàn tụ với ba mẹ...