Ước mơ Tết nghẹn đắng của bệnh nhi ung thư 4 tuổi
(Dân trí) - Dịp Tết, bé Danh Huỳnh Trấn Phong, 4 tuổi, đang điều trị ung thư tại BV Ung Bướu TPHCM không mơ được mua quần áo mới, nhận nhiều lì xì... chỉ mong có thể khỏi bệnh, được về nhà.
Nụ cười sau đợt hóa, xạ trị
Trước sân khu xạ trị gia tốc của Bệnh viện Ung bướu (TPHCM), hơn 200 bệnh nhi ung thư vô tư nói cười, háo hức tham gia các hoạt động giải trí như vẽ tranh, cắt dán giấy, viết thư chúc Tết, nhận bong bóng và xem tiết mục văn nghệ. Đây là hoạt động do Quỹ chia sẻ tình thương phối hợp với Bệnh viện Ung Bướu tổ chức nhằm mang Tết đến với các bệnh nhi đang điều trị tại đây.
Thấp thoáng sau hàng ghế dài, vài đứa trẻ lấp ló, ngại ngùng không dám tham gia. Còn mệt sau đợt xạ trị nhưng các bệnh nhi 4 - 5 tuổi vẫn tò mò với khung cảnh đông đúc, vui vẻ hiếm có trong quá trình điều trị.
Khi được hỏi về ước mơ dịp Tết, nhiều em quay mặt chẳng dám nói. Không ít em ngại ngùng, e sợ khi gặp người lạ. Tuy vậy, khi cởi mở hơn, các em đều chỉ mong được khỏe mạnh, hết bệnh để về nhà.
Mong ước nhỏ bé thốt ra từ những đứa trẻ chỉ mới 3 - 4 tuổi khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nghe câu trả lời của bọn trẻ, người tham dự chương trình hầu hết không kìm được nước mắt.
Đâu đó, ánh mắt của phụ huynh ngồi ở hàng ghế trên còn nặng nề hơn. Nhiều bố mẹ ngồi lặng, nhìn con tận hưởng những hoạt động tưởng chừng đơn giản, nhưng quá đỗi đặc biệt đối với chúng, rồi rơi nước mắt.
Chị Mẹ Thúy (ngụ tại Bình Thuận) và chồng lặng lẽ bồng con ra ngoài hóng gió, trước khi trở về giường bệnh để bé nghỉ ngơi. Thấy bong bóng, con chị Thúy tươi cười, tạm quên đi mệt mỏi khi vừa mới xạ trị xong.
Chị Thúy kể, gia đình phát hiện bé bị bệnh vào tháng 5/2022. Tính đến nay, bé đã theo phác đồ điều trị hơn nửa năm.
"Trước đó bé sốt liên tục, gia đình cứ nghĩ bị Covid-19 hoặc cảm sốt bình thường thôi. Đến tháng 5/2023, tôi thấy hai bên ngực của con không đều nên cùng chồng chở con vào TPHCM khám. Ngày phát hiện con bị ung thư gan, tôi cũng nghĩ chỉ cần chữa trị là sẽ hết", chị Thúy bộc bạch.
Trải qua điều trị, thay đổi hết phác đồ này đến phác đồ khác, chị Thúy nhiều lần sợ hãi vì thấy con yếu ớt, ngã gục xuống sàn nhà.
Tóc của con bắt đầu rụng, mặt xanh xao, biếng ăn, nôn ói. Những lúc như vậy, chị Thúy chỉ biết khóc, cầu trời để mình "đổi mạng" cho con.
"Khi con ngất xỉu, mê sảng, tôi cứ nghĩ con chỉ đi được tới đây thôi. Gia đình sợ lắm, tức tốc đưa cháu vào cấp cứu. Qua nhiều khoảnh khắc như vậy, tôi càng thương con nhiều hơn. Chăm một đứa trẻ bị ung thư, nỗ lực và dũng khí đều phải gấp 3 lần", chị Thúy nghẹn ngào.
Đứa trẻ 5 tuổi ở nhà tự nấu cơm, chăm em
Trước đây, chồng chị Thúy là ngư dân, chị ở nhà chăm lo bếp núc và hành nghề bán cá ngoài chợ. Thu nhập bấp bênh, ít ỏi nhưng cũng xây được tổ ấm hạnh phúc. Nhưng ngờ đâu sóng gió ập đến, cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn hoàn toàn.
Vì phải điều trị cho con, vợ chồng chị vào TPHCM hết thảy 20 ngày mỗi tháng. Thế nên, chị và chồng xin làm phụ hồ tại thành phố để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Hai vợ chồng có 3 người con, bé bị ung thư gan là út. Chị Thúy và chồng phải để hai con lớn ở nhà nhờ ông bà chăm sóc để đưa bé út đi viện.
Ông bà đều đã lớn tuổi, khó theo sát các cháu. Thế nhưng, con đầu của chị Thúy dù chỉ mới 5 tuổi đã biết tự nấu cơm, chiên trứng và chăm sóc em.
Nói đến đây, chị Thúy liếc nhìn con đang xem các bạn vẽ tranh, tô màu. Chị Thúy ước con cũng được như những đứa trẻ khác.
Phải theo sát phác đồ điều trị, con chị Thúy mệt đến rã người nhưng vẫn cố cười. Chị Thúy kể, bé rất ngoan, đôi lúc nghịch ngợm nhưng lại ít quấy khóc.
Hôm nay, nhìn thấy các bạn vui chơi, con chị Thúy cũng lần đầu nhìn thấy chiếc bong bóng sau khoảng thời gian dài tham gia điều trị.
"Tôi thấy hoạt động hôm nay rất ý nghĩa. Nhờ vậy, con tôi có thể tạm quên đi bệnh tật, gia đình cũng cảm thấy nhẹ nhàng hơn chút. Hi vọng sự lạc quan này sẽ giúp chúng tôi có thêm sức mạnh bước tiếp", chị Thúy tâm sự.
Người mẹ 3 con cho hay, gia đình dự định sẽ về quê ăn Tết vào ngày mai. Dù số tiền ít ỏi còn lại chỉ đủ mua vé xe, chị Thúy vẫn cố gắng chuẩn bị cho gia đình được đoàn tụ ngày Tết.
Bà Nguyễn Thị Như Phương (Chủ tịch Quỹ chia sẻ tình thương) cho biết, đơn vị đã chuẩn bị 230 phần quà cho các bệnh nhi nội trú và ngoại trú. Trong đó, mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng, gồm 300.000 đồng tiền mặt và sữa, bánh.
"Chúng tôi tổ chức các hoạt động vui chơi, trao quà nhân dịp Tết Nguyên đán 2023 sắp tới, với mong muốn san sẻ yêu thương, vơi bớt đi sự đau đớn, giúp các em vượt qua được nỗi đau trong quá trình chữa trị. Qua đó, các em và phụ huynh sẽ lạc quan hơn, đón một năm mới trọn vẹn hơn", bà Phương nói.