Tỷ lệ bỏ học cao ở trẻ nữ vùng dân tộc, chị em lớn tuổi ngại công nghệ
(Dân trí) - Tỷ lệ nghỉ học ở trẻ em nữ dân tộc thiểu số còn cao, còn nạn tảo hôn; còn chị em phụ nữ lớn tuổi gặp khó khăn trong việc sử dụng công nghệ…
Đó là những vấn đề được đề cập tại hội thảo khoa học quốc gia "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo" tổ chức tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam ở TPHCM ngày 12/9.
Hội thảo nằm trong chuỗi các Hội thảo Quốc gia cùng chủ đề được tổ chức tại các khu vực miền Bắc và miền Trung - Tây Nguyên, thuộc Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".
Nhiều rào cản với nữ giới dân tộc thiểu số
Ông Ngô Vân, giáo viên phụ trách Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Kế Sách, Sóc Trăng cho hay, học sinh nữ chiếm tỷ lệ cao hơn trong số học sinh bỏ học tại trường nhiều năm nay; vẫn còn trường hợp học sinh yêu sớm dẫn đến bỏ học, tảo hôn.
Có nhiều rào cản với con đường đến trường của nữ sinh như các em và phụ huynh chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc học, khoảng cách từ nhà tới trường xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nơi sinh sống của học sinh dân tộc còn tồn tại những định kiến giới...
Các em cũng chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức về bình đẳng giới, phòng/chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em…
Từ khó khăn trong thực tiễn, ông Vân chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" tại trường.
Câu lạc bộ lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng. Từ đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức, hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với các vấn đề liên quan tới trẻ em.
Tại xã Đak Nhau, Bù Đăng, Bình Phước, bà Doanh Thị Thoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thông tin địa bàn có đến 48,8% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Vấn đề cấp thiết nhất của phụ nữ và trẻ em nơi đây là việc tiếp cận công nghệ thông tin.
Tại xã vẫn còn một số nơi không có điện thoại, không có sóng Internet hoặc sóng rất yếu, việc liên lạc với người dân rất khó khăn.
Nhiều hộ không có điện thoại thông minh hoặc cả nhà dùng chung một chiếc dẫn đến khó khăn cho người dân tộc thiểu số nắm bắt thông tin hay triển khai các chương trình kích hoạt định danh điện tử, giao dịch trên dịch vụ công, …
Đặc biệt, bà Thoa nhấn mạnh, nhiều phụ nữ lớn tuổi còn ngại tìm tòi, học hỏi trong việc tiếp cận công nghệ thông tin nên hạn chế trong việc chọn lọc thông tin.
Tiếp cận trẻ em, phụ nữ dân tộc thiểu số: Thay đổi "nếp nghĩ, cách làm"
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho hay Dự án 8 là nỗ lực không ngừng vì bình đẳng giới và chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự án hướng đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa bỏ những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, mục tiêu hướng đến việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em tại các xã, thôn khó khăn. Đặc biệt là với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật, nạn nhân của bạo lực gia đình và các vấn đề xã hội khác.
Theo bà Hiền, có những vấn đề mặc dù đã được quan tâm giải quyết song vẫn chưa thuyên giảm, tác động không tốt tới đời sống của phụ nữ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Các vấn đề có thể kể đến như việc làm, sinh kế và định hướng việc làm, nghề nghiệp cho phụ nữ và trẻ em gái; vấn đề tiếp cận công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, làm mẹ an toàn và tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng; sinh nhiều con, bạo lực gia đình…
Tại tỉnh An Giang, nơi có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 5,13%, bà Trương Thị Tuyết Như, Trưởng ban Tuyên giáo Chính sách pháp luật, Hội LHPN tỉnh cho biết người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò khá quan trọng, họ được bầu chọn từ các cụ lớn tuổi có nhiều đóng góp cho địa phương, được đồng bào tin tưởng, xem trọng.
Trong quá trình thực hiện Dự án 8, Hội LHPN tỉnh An Giang chú trọng vận động, phát huy tiếng nói, sự ảnh hưởng của người có uy tín trong việc tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ, cách làm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tôn giáo và Đạo đức Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho hay, quá trình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số phía Nam cần quan tâm đến văn hóa, tôn giáo của người Nam Bộ.
Qua đó, chúng ta mới có những chính sách hoạt động phù hợp và thu hút để thật sự nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của người dân.
Khi đồng bào dân tộc thiểu số có thể tiếp cận với tiến bộ, văn minh hiện đại thì các vấn đề vướng mắc, khó khăn cũng sẽ dần dần được tháo gỡ.