Từ vụ mổ sỏi thận phải tự mua ga giường: Người bệnh có được hoàn tiền?
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế nêu nhiều giải pháp để xử lý việc bệnh viện thiếu thuốc, vật tư khiến người bệnh mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế xảy ra trong thời gian qua.
Phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài
Mới đây, phóng viên Dân trí nhận được phản ánh của chị N.T.T.M. (ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) trước việc cha nhiều lần vào bệnh viện tuyến tỉnh điều trị sỏi thận, nhưng phải tự ra ngoài mua vật tư y tế và không được bảo hiểm chi trả.
Cụ thể trước ngày phẫu thuật ở Bệnh viện đa khoa Bình Dương, cô được đưa một danh sách rất nhiều vật tư y tế cần mua, như găng tay phẫu thuật, gạc vô khuẩn, bơm kim tiêm, băng keo, dây truyền dịch, ống hút phẫu thuật, bông gòn, ống sonde JJ niệu quản, ống nội khí quản, ga trải giường phẫu thuật...
Đại diện Bệnh viện Bệnh viện đa khoa Bình Dương lý giải, đến thời điểm hiện tại, công tác đấu thầu còn gặp khó khăn. Do đó, người bệnh phải tự mua một số vật tư.
Không chỉ tại Bình Dương, nhiều cơ sở khám chữa bệnh tại những địa phương khác trên cả nước cũng xuất hiện tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế và người bệnh phải mua ở bên ngoài.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Do đó, người bệnh phải tự mua thuốc bên ngoài, dù thuộc danh mục được chi trả của bảo hiểm y tế.
Chờ hướng dẫn của Bộ Y tế
Về việc người bệnh có được hoàn trả chi phí mua thuốc, vật tư bên ngoài, theo Trưởng Ban Thực hiện Chính sách bảo hiểm y tế, hiện nay, trong quy định về thanh toán trực tiếp đối với người bệnh, không có việc thanh toán khi người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài.
Trong khi đó, Nghị định 146 của Chính phủ cũng quy định rõ cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho người tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Vì vậy, để thanh toán được trong trường hợp trên, ông Phúc cho rằng cần có hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Luật Bảo hiểm y tế cũng nêu rõ, Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số trường hợp đặc biệt để thanh toán trực tiếp.
"Phía bảo hiểm xã hội cũng đang chờ hướng dẫn của Bộ Y tế để triển khai việc chi trả cho người bệnh", ông Phúc nói.
Vừa qua, Bộ Y tế đã phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng thông tư hướng dẫn việc thanh toán trên cho phù hợp. Theo ông Phúc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tham gia xây dựng dự thảo thông tư bằng việc cung cấp bằng chứng, thông tin…
Nhận định về việc hoàn tiền cho người bệnh phải mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài, ông Phúc đánh giá: "Việc thanh toán này rất phức tạp".
Vị này cho rằng cơ quan soạn thảo thông tư hướng dẫn quy định làm sao chỉ một số trường hợp đặc biệt được thanh toán, việc chi trả không tạo thành tiền lệ phổ biến.
Theo ông Phúc, người bệnh cũng có quyền yêu cầu cơ quan Bảo hiểm xã hội phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy nhiên, cũng phải lường trước việc có thể xuất hiện tình trạng lạm dụng trong vấn đề chi trả.
Ông Phúc lấy ví dụ việc mua thuốc bên ngoài có nhiều vấn đề cần cân nhắc như chất lượng, giá cả… Trong trường hợp không may, người bệnh mua một loại thuốc bên ngoài vào bệnh viện dùng xảy ra tai biến sẽ gây tranh cãi rất nhiều.
Xây dựng thông tư hướng dẫn việc chi trả
Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, trong quá trình thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, đã phát sinh đến việc thiếu thuốc và có hiện tượng bệnh nhân ra ngoài mua thuốc điều trị.
Theo Bộ trưởng, về mặt nguyên tắc, cơ sở khám, chữa bệnh phải đảm bảo đủ thuốc và không để người bệnh phải mua ở ngoài trong thời gian điều trị nội trú.
Bởi, người bệnh tự mua thuốc có nhiều nguy cơ liên quan đến chất lượng thuốc. Bên cạnh đó, khi gặp rủi ro, rất khó xác định trong vấn đề thanh toán cho người bệnh.
Bộ trưởng nhấn mạnh nguyên tắc, quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế phải được đảm bảo. Song, hiện nay chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi ra ngoài mua thuốc.
Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua về phía Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, theo bà Đào Hồng Lan, Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở y tế thực hiện các chỉ đạo, các quy định liên quan đến việc mua thuốc, vật tư y tế để đảm bảo phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
Thứ hai, Bộ đã đề xuất các cơ chế để các cơ sở khám chữa bệnh có thể điều chuyển thuốc với nhau khi các kết quả đấu thầu còn hiệu lực.
Thứ ba, Bộ trưởng đã chỉ đạo rà soát lại các danh mục thuốc và dự kiến đầu năm 2024 bổ sung thêm danh mục thuốc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Liên quan đến vấn đề cơ chế để thanh toán tiền cho người bệnh, nữ Bộ trưởng cho biết đã giao cho Vụ Bảo hiểm y tế xây dựng thông tư hướng dẫn. Sau đó, Bộ này lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành, địa phương trong quá trình hoàn thiện thông tư để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
"Trong lúc Quốc hội đang họp về nội dung này, Vụ Bảo hiểm y tế cùng với các thành viên của Bộ Tư pháp và Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp bàn về những nội dung phương án cụ thể. Nội dung này Bộ Y tế đang tích cực chỉ đạo triển khai", Bộ trưởng Lan nhấn mạnh.
Khi có dự thảo thông tư chính thức Bộ Y tế sẽ gửi bộ ngành, địa phương cho ý kiến. Bởi vì nội dung này liên quan tới điều kiện nào người bệnh được thanh toán, điều kiện nào để tránh việc lạm dụng đẩy người bệnh phải ra ngoài.
Đối với các trường hợp thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ Y tế được quy định các trường hợp khác. Tuy nhiên, để quy định này trở thành hiện thực phải có văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn triển khai cụ thể.