Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu: Đừng tước đi mạng sống của đứa trẻ vô tội

Tô Sa

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng hành động "người phụ nữ định ôm con nhảy cầu" chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, vô vàn đứa trẻ đang phải đối mặt với những "cuộc chiến" tiêu cực ngoài xã hội.

Những ngày qua, mạng xã hội lan truyền đoạn video đau lòng ghi lại cảnh người phụ nữ có ý định quyên sinh cùng con gái nhỏ lúc rạng sáng trên cầu Khuể (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng).

Chính quyền xác định người phụ nữ tên H., là công nhân may gần nhà, từng trải qua hai cuộc hôn nhân và có ba người con. Con gái lớn mới lập gia đình, người con thứ hai sống với chồng cũ, còn con gái út ở cùng mẹ.

Sau khi ly hôn người chồng thứ hai, chị H. dọn về sống cùng bố đẻ. Quá trình chung sống, các thành viên trong gia đình nảy sinh nhiều mâu thuẫn, dẫn tới hành động dại dột của người mẹ.

May mắn, lực lượng chức năng cùng người dân kịp thời ngăn chặn người phụ nữ ôm con nhảy cầu.

Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu: Đừng tước đi mạng sống của đứa trẻ vô tội - 1

Người phụ nữ có ý định quyên sinh cùng con nhỏ (Ảnh cắt từ video).

Bề nổi của tảng băng chìm

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Đặng Văn Cường (Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em) nhận định, nếu sự việc lần này không được ngăn chặn kịp thời, thì sẽ có thêm một đứa trẻ ra đi chỉ vì sự bồng bột, thiếu suy nghĩ, thiếu kiểm soát cảm xúc của người lớn.

Theo ông Cường, trên thực tế, không riêng Việt Nam, mà nhiều quốc gia khác ghi nhận xu hướng đáng báo động về việc bố hoặc mẹ kéo theo con cái hành động dại dột.

Ông lý giải có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến người lớn "ôm con chết cùng" như: Mắc bệnh tâm thần; không nhận thức được hành vi của mình làm hại con cái; thiếu kỹ năng sống; thiếu kiểm soát về cảm xúc, trầm cảm; hạn chế nhận thức về pháp luật và đời sống xã hội.

"Từ đó, mỗi khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, cùng quẫn, bố hoặc mẹ không đủ nghị lực, không đủ tỉnh táo và bản lĩnh để đối mặt với thực tại nên đã tìm cách giải thoát", ông Cường nói.

Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu: Đừng tước đi mạng sống của đứa trẻ vô tội - 2

Lực lượng chức năng tìm kiếm 4 mẹ con dọa nhảy cầu Đông Trù (Hà Nội), hồi tháng 3 (Ảnh: Hải Nam).

Chuyên gia Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng hành động "người phụ nữ định ôm con nhảy cầu" chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, vô vàn đứa trẻ đang phải đối mặt với những "cuộc chiến" tiêu cực ngoài xã hội, như bị bố mẹ bạo hành, bị bắt đi ăn xin, bán vé số.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Đặng Văn Cường, nữ chuyên gia cho rằng nhiều bố mẹ không đủ điều kiện sức khỏe, tâm lý, kiến thức và kỹ năng giáo dục con cái, nên vô tình đã làm hại con.

"Không phải ai sinh ra cũng đủ kiến thức, kỹ năng, thậm chí là ý thức chăm sóc, nuôi dạy con cái. Mỗi gia đình thường có suy nghĩ rằng con của tôi, tôi tự lo, xã hội và chính quyền không có quyền can thiệp", bà Hương nhận định.

Thiếu hệ thống quản lý giáo dục gia đình

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, trẻ em là nạn nhân trong câu chuyện này. Những đứa trẻ vô tội, còn cả tương lai phía trước, chẳng có lý do gì bố mẹ lại tự ý tước bỏ tính mạng của chúng.

Để giảm thiểu những sự việc tương tự, chuyên gia cho rằng vấn đề giáo dục đạo đức, văn hóa, kỹ năng sống, pháp luật rất quan trọng và không chỉ đối với thế hệ trẻ mà còn cả những bậc phụ huynh.

"Những áp lực, khó khăn trong cuộc sống, mâu thuẫn trong tình cảm không phải là lý do để trốn tránh trách nhiệm, xâm hại đến tính mạng của trẻ em", ông Cường nhấn mạnh.

Gia đình, người thân, cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm hơn nữa những người có những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ thiếu chín chắn hoặc những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Với những trường hợp đã được phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì gia đình, chính quyền cần phối hợp quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân để có những giải pháp cụ thể, như điều trị bệnh lý, hòa giải mâu thuẫn, hỗ trợ điều kiện kinh tế.

Nhằm ngăn chặn sự việc tái diễn, gia đình và chính quyền phối hợp giao trẻ em cho người thân hoặc cơ sở bảo trợ xã hội.

Từ vụ bé gái ngăn mẹ nhảy cầu: Đừng tước đi mạng sống của đứa trẻ vô tội - 3

Cơ quan chức năng trấn an người phụ nữ có ý định ôm con nhảy cầu (Ảnh: Công an cung cấp).

Như trong câu chuyện chị H. định ôm con gái nhảy cầu Khuể, cơ quan chức năng đã bàn giao hai mẹ con cho gia đình. Chính quyền địa phương đã cử các tổ chức, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên gia đình, cũng như hàn gắn mâu thuẫn.

Mọi khúc mắc trong gia đình đã được giải quyết, cuộc sống của họ đã trở lại bình thường. Địa phương cũng giao hội phụ nữ sẵn sàng hỗ trợ nếu chị H. có nguyện vọng tìm nơi ở riêng.

Về phía bé gái, chính quyền đã cử lực lượng theo dõi, giám sát bảo đảm an toàn cho cháu, đồng thời phối hợp nhà trường và thầy cô quan tâm, nắm bắt tình hình của trẻ. 

"Với những người cha, người mẹ có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con thì có thể bị tước quyền chăm sóc, bị hạn chế tiếp xúc với trẻ em để bảo vệ trẻ em khỏi những tình huống nguy hiểm", ông Cường nói.

Chuyên gia Vũ Thu Hương nhận định Việt Nam hiện thiếu hệ thống quản lý giáo dục gia đình.

Từng có thời gian sinh sống cùng gia đình tại Đức, bà Hương cho hay hệ thống quản lý giáo dục gia đình tại đây được kiểm soát rất chặt chẽ. Khi trẻ em đủ tuổi học lớp 1, bố mẹ sẽ nhận được giấy mời của chính quyền địa phương yêu cầu đưa con đi kiểm tra sức khỏe.

Chính quyền sẽ liên tục hỏi han gia đình, thậm chí đến nhà kiểm tra đủ điều kiện chăm sóc, bảo vệ trẻ hay không?

"Nếu xây dựng hệ thống này, chúng ta có thể phát hiện những gia đình gặp khó khăn để kịp thời can thiệp, xử lý, hỗ trợ giải quyết vấn đề, từ đó bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ em", bà Hương nói.