Từ vụ bé gái bị đóng đinh vào đầu: Cần trợ giúp khẩn cấp cho cha mẹ!
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, Covid-19 khiến tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng với nhiều vụ việc ghê rợn, gần nhất là nghi án người tình của mẹ đóng đinh vào đầu bé gái 3 tuổi gây rúng động dư luận.
Áp lực khiến cha mẹ dễ căng thẳng
Phát biểu tại hội thảo chủ đề "Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bị ảnh hưởng Covid-19: Đảm bảo cơ hội bình đẳng và phát triển bền vững" diễn ra mới đây, các chuyên gia tâm lý và công tác xã hội đều cho là dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của trẻ em, tình trạng bạo hành trẻ em gia tăng và có nhiều vụ gây rúng động dư luận.
Các đại biểu nhắc đến những vụ việc bạo hành trẻ em ở mức độ dã man dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như nghi án mẹ hờ đánh chết con riêng của bạn trai xảy ra ở TPHCM, gần đây nhất là nghi án người tình của mẹ đóng đinh vào đầu bé gái 3 tuổi xảy ra ở Hà Nội.
Tuy nhiên, các chuyên gia tham dự hội thảo đều cho rằng, việc bảo vệ an toàn cho trẻ em trong những vụ việc này là cấp thiết nhưng xử lý căn nguyên của vấn đề càng quan trọng hơn. Đó là giải quyết sự bất ổn trong gia đình khi dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, ảnh hưởng mọi mặt đời sống ở mọi gia đình.
Theo ông Nguyễn Lữ Gia - Quản lý chương trình bảo vệ trẻ em tổ chức Save the Children international, vấn đề bạo lực trẻ em gia tăng tại gia đình trong thời gian gần đây xuất phát từ việc đóng cửa trường học, trẻ em sống trong gia đình nhiều hơn.
Ông cho rằng: "Trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của tất cả mọi người trong gia đình, trẻ em là nhóm yếu thế nên dễ dàng chịu bạo lực bởi chính những người thân trong nhà".
Theo ông Nguyễn Lữ Gia, đại dịch khiến thu nhập gia đình bị ảnh hưởng, áp lực và căng thẳng cũng xuất hiện ở người lớn trong gia đình, những người làm cha, làm mẹ và người chăm sóc trẻ em.
Đồng thời, tình hình giãn cách, sinh hoạt trong không gian hẹp thời gian dài, trẻ học trực tuyến, áp lực tâm lý lo âu đè nặng khiến người lớn dễ bốc đồng, dẫn đến những bất ổn, bộc phát, bạo hành trẻ em.
Những vấn đề này xảy ra ở nhiều gia đình chứ không chỉ riêng biệt trường hợp nào và không phải phụ huynh nào cũng đủ kỹ năng để kiểm soát chính mình. Hạn chế được những vấn đề trên sẽ giúp giảm bớt những vụ việc bạo hành trẻ em đau lòng có thể xảy ra trong mùa đại dịch này.
Trợ giúp khẩn cấp cho cha mẹ
Tiến sĩ Lê Minh Công - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM) - cho rằng, cha mẹ không hạnh phúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ. Trong đó, biểu hiện rõ ràng nhất là hành vi bạo hành trẻ em khá phổ biến.
Theo ông, đại dịch gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc, kinh tế gia đình... Khi đó, cha mẹ không chỉ dễ có hành vi bạo hành mà còn truyền cảm xúc tiêu cực của mình đến trẻ con, gây bất ổn tinh thần cho con trẻ.
Tiến sĩ Lê Minh Công cho biết: "Những nghiên cứu của đồng nghiệp chúng tôi cho thấy tình trạng kiệt sức của những người làm "nghề cha mẹ" là có thật. Do đó, chúng tôi đề xuất thực hiện ngay những chính sách, chương trình hỗ trợ cho cha mẹ, trợ giúp khẩn cấp cho cha mẹ".
"Đây là chương trình rất quan trọng mà chúng ta không để ý thực hiện. Chúng ta chỉ chú trọng đến trẻ con mà không để ý đến cha mẹ. Cũng như khi dạy trực tuyến, chúng ta chỉ để ý đến khó khăn của học sinh mà không để ý đến khó khăn của giáo viên. Đó là điều khiếm khuyết cần điều chỉnh", ông Lê Minh Công khuyến nghị.
Ông Nguyễn Lữ Gia cũng đồng ý là muốn bảo vệ trẻ em trong và sau đại dịch Covid-19 tốt hơn thì phải có chương trình hỗ trợ cho chính cha mẹ các bé, những người chịu trách nhiệm chăm sóc các bé.
Ông nhấn mạnh: "Phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của gia đình. Vì điều kiện sống ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trẻ em lẫn thái độ của người lớn trong gia đình đối với trẻ em".
Đồng thời, ông Nguyễn Lữ Gia cũng khuyến nghị cơ quan chức năng cần có các chương trình xây dựng kỹ năng làm cha mẹ tốt cho các phụ huynh, có những chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần kịp thời cho họ, giúp họ kiểm soát bản thân trong việc giáo dục con cái và kiểm soát căng thẳng do dịch bệnh gây ra…
Tiến sĩ Lê Minh Công giải thích rõ hơn: "Thông qua các chương trình chăm sóc cha mẹ, trợ cấp hỗ trợ, giáo dục kỹ năng làm cha mẹ cho họ, huấn luyện kỹ năng xã hội, xây dựng năng lực quản lý xung đột, stress trong gia đình… sẽ tạo nền tảng căn bản để bảo vệ trẻ em".
Theo các chuyên gia, những hoạt động này có thể lồng ghép vào các chương trình an sinh xã hội, truyền thông giáo dục, tập huấn kỹ năng, đường dây tư vấn tâm lý trực tuyến... do các cơ quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngành văn hóa thông tin, hội Phụ nữ thực hiện.
Theo bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hiện Bộ quản lý, vận hành Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để tiếp nhận thông tin tố giác hành vi gây hại cho trẻ em. Thông tin phản ánh về tổng đài sẽ được giải quyết, kết hợp cơ quan công an xử lý ngay.