Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng:
"Từ lâu nay, bệnh nhân phong đã trở thành người thân của tôi..."
(Dân trí) - "Bệnh nhân phong đã trở thành người thân của tôi. Chỉ cần nghe thấy tiếng cười, nhìn thấy những bước đi vững chãi của các cụ, giúp họ nấu nồi cơm, luộc rau là tôi đủ mãn nguyện rồi...".
Bà Nguyễn Thị Xuân, y tá Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh (TP Bắc Ninh), một trong 400 cá nhân được tôn vinh trong Lễ tuyên dương "Những gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tâm sự.
Buổi sáng cuối năm 2020, thời tiết tại TP Bắc Ninh giá rét. Trong căn phòng Phục hồi chức năng của bệnh viện Da liễu Bắc Ninh (TP Bắc Ninh), y tá Nguyễn Thị Xuân đang xem lại những bức ảnh kỷ niệm mà bà được chụp cùng những bệnh nhân phong từ những năm 90 của thế kỷ trước.
"Tôi đã gắn bó với nơi này gần 34 năm rồi đấy. Nếu sang năm, cơ quan không ký hợp đồng cho tôi nữa, thì tôi sẽ tình nguyện ở lại đây làm không lương", bà bộc bạch.
"Bạn bè bảo tôi bị… thần kinh rồi"
Y tá Nguyễn Thị Xuân sinh năm 1957, trong một gia đình có 5 anh chị em ở huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Lớn lên, bà làm dạy trẻ mầm non. Cuộc đời cứ thế lặng lẽ, êm đềm bên những đứa trẻ cho đến khi cô giáo Xuân vô tình đọc được cuốn sách Lạc quan trên miền thượng của Linh mục Giuse Phùng Thanh Quang.
Nội dung câu chuyện kể về cuộc sống nhiều nỗi đau và thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần của những bệnh nhân phong ở trại phong Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Có lẽ là một cơ duyên. Những câu chuyện trong cuốn sách đã làm thức tỉnh và tạo bước ngoặt trong nhận thức của bà Xuân về sự lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Để hiểu thêm về những số phận trong cuốn sách đó, bà đã giấu gia đình và tự tìm đến trại phong Quả Cảm (thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh). Tại đây, bà chứng kiến nỗi đau về thể xác của những bệnh nhân với tấm lòng đầy thương cảm.
Rồi từ đó, sau khi hoàn thành những tiết dạy trẻ trên lớp, cô giáo Xuân đều đặn đạp xe vượt hơn 2 chục cây số lên trại phong Quả Cảm để giúp các bệnh nhân các việc hàng ngày như cõng một bà cụ cụt chân, xách xô nước giúp một ông cụt chân hay chăm lo hậu sự cho một bệnh nhân không còn đủ sức chống chọi với căn bệnh quái ác này.
"Sau khi tôi quyết định bỏ dạy học, chuyển lên hẳn trên trại phong này. Tôi bị người thân, bạn bè phản đối kịch liệt lắm. Một người bạn thân bảo tôi: Xuân ơi, mày bị thần kinh rồi!", y tá Xuân kể.
Khi ấy, bà giữ thái độ làm thinh và âm thầm làm công việc của người "thổi tù và vác hàng tổng" cho những cảnh đời ở trại phong Quả Cảm.
"Khi đó, nhiều cán bộ ở trại cũng băn khoăn về việc lựa chọn của tôi. Nhưng với tôi, niềm hạnh phúc lúc đó là được gần gũi với bệnh nhân. Các cụ bệnh nhân quý mến tôi, mong tôi tiếp tục gắn bó lâu dài với trại", bà Xuân giải thích.
Bà Xuân đã làm công việc thiện nguyện này từ năm 1987. Tới năm 1992, bà mới được chính thức nhận vào làm y tá của trại phong Quả Cảm. Sau đó, trại phong Quả Cảm đã được nâng cấp và đổi tên gọi nhiều lần, từ năm 2016 tới nay có tên là Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh.
"Thiên thần" của những bệnh nhân phong
Bà Nguyễn Thị Xuân quan niệm, công việc của người y tá không đơn giản chỉ là đi phát thuốc, lau rửa vết thương cho bệnh nhân. Họ phải những người có Đức - Tâm - Tầm, dám vượt qua những ngưỡng, những việc mà người bình thường không dám làm cho người bệnh.
Bởi thế, năm 1988, bà quyết định vào học trung cấp y ở thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Chưa dừng lại ở đó, năm 1992, bà tiếp tục vào thành phố Hồ Chí Minh học cách gò sắt làm chân giả cho bệnh nhân phong.
Có tay nghề vững trong tay, bà Xuân đã giúp nhiều bệnh nhân ở rất nhiều trại phong trên cả nước có đủ đôi tay, đôi chân lành lặn. Qua đó, giúp họ thuận tiện hơn rất nhiều trong đi lại, sinh hoạt.
Không chỉ làm công việc giúp đỡ những bệnh nhân về cơm nước, thuốc thang, sinh hoạt thường ngày, mà bà còn nghĩ làm sao cho con cháu họ cũng có một gia đình nhỏ hạnh phúc.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ vì bệnh nhân phong, ngày 27-28/11/2020, y tá Nguyễn Thị Xuân là 1 trong 400 cá nhân tiêu biểu dự Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội. Bà cũng vinh dự là 1 trong 50 cá nhân được Thủ tướng trao tặng Bằng khen vì những đóng góp thầm lặng vì cộng đồng.
Chính vì thế, bà mối Xuân đã dành nhiều năm tổ chức những buổi sinh hoạt giao lưu giữa các trại phong với nhau. Kết quả nhiều cặp đã bén duyên với nhau, trở thành vợ chồng, sinh ra những đứa bé khỏe mạnh, lanh lợi như bao đứa trẻ khác.
Nghĩ rằng, những cặp đôi này cần có "một cái cần câu cơm", bà Xuân lại đi vận động những nhà tài trợ xây giúp họ ngôi nhà; tặng đôi trâu, đôi bò để từ đó phát triển kinh tế.
Trại phong Quả Cảm từ lúc ban đầu đón gần 300 bệnh nhân, giờ đây, chỉ còn lại 71 người. Đa phần là người già. Những người trẻ, con cháu các cụ đều đã ra ngoài làm việc lương thiện, cống hiến cho xã hội.
"Cuộc sống vật chất của bệnh nhân ở đây đã bớt khó khăn hơn trước, nhưng tôi vẫn luôn trăn trở về những thiệt thòi tinh thần của họ. Có người ốm và mất đi nhưng không một người nhà tới thăm. Có người quê ở ngay gần đây, mong một lần về thắp hương cho cha mẹ cũng không được vì bệnh tật", bà Xuân bùi ngùi.
Được nghỉ hưu từ năm 2012, y tá Nguyễn Thị Xuân được tiếp tục ký hợp đồng thêm 8 năm nữa. Với tâm huyết với nghề, bà mong muốn được gắn bó ở Khoa Phong (Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh) cho đến khi không còn đủ sức khỏe.
Bà Xuân không có gia đình riêng. Với bà, các bệnh nhân phong cũng chính là người thân trong gia đình.
"Nếu không được đồng ý ở lại đây làm tiếp, tôi sẽ xin sang trại phong khác làm việc. Bởi chỉ cần nghe thấy tiếng cười, nhìn thấy những bước đi vững chãi của các cụ bệnh nhân hay giúp họ nấu nồi cơm, luộc ít rau đã đủ làm tôi đủ mãn nguyện rồi. Với tôi, hạnh phúc chỉ cần có vậy...", bà tâm sự.