Từ 2022, người lao động cần bao nhiêu năm đóng BHXH để có lương hưu tối đa?
(Dân trí) - Nhiều bạn đọc băn khoăn, nếu nghỉ hưu vào năm 2022 và để có thể hưởng lương hưu mức cao nhất (75%), người lao động cần đóng bảo hiểm xã hội bao nhiêu năm?
Liên quan tới vấn đề này, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 01/01/2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội.
Với lao động nam, để hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% thì cần đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội. Sau đó, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì mức lương hưu của người lao động được tính thêm 2%, và mức tối đa bằng 75%.
Như vậy từ năm 2022, muốn hưởng lương hưu tối đa là 75%, lao động nam cần đóng đủ từ 35 năm, tăng thêm một năm so với 2021.
Với lao động nữ, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Sau đó cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, mức lương hưu của lao động nữ được tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%. Để được hưởng mức lương hưu tối đa 75%, lao động nữ cần đóng đủ 30 năm tham gia bảo hiểm xã hội.
Như vậy, từ năm 2022 đối với lao động nam cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm và lao động nữ cần đóng đủ 30 năm để nhận được lương hưu tối đa.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở, khoảng 28,9 triệu đồng/tháng.
Cũng theo bà Dương Thị Minh Châu, mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận với mức đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Điều này có nghĩa là mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.