1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Từ 1/4: Áp dụng quy trình giám định pháp y trẻ em bị hoặc nghi bị xâm hại

(Dân trí) - Từ ngày 1/4/2021, Quyết định số 5609/QĐ-BYT về quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục, trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập bắt đầu có hiệu lực.

Trước đó, ngày 31/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định 5609/QĐ-BYT Ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.

Quy trình giám định pháp y này được áp dụng tại các tổ chức và cá nhân thực hiện giám định pháp y trên toàn quốc.

Từ 1/4: Áp dụng quy trình giám định pháp y trẻ em bị hoặc nghi bị xâm hại - 1

Từ ngày 1/4/2021, Quyết định số 5609/QĐ-BYT bắt đầu có hiệu lực. (ảnh P.T)

Theo Bộ Y tế, các bước theo thứ tự khám giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục, gồm: Làm việc với cán bộ cơ quan trưng cần; tiếp xúc người được giám định, gia đình, người giám hộ; khám tổng quát; khám bộ phận sinh dục; khám hậu môn, trực tràng; khám miệng, hầu họng; khám các bộ phận khác trên cơ thể; khám chuyên khoa và các xét nghiệm cần thiết; nghiên cứu vật chứng hoặc thực nghiệm (nếu có); bàn giao đối tượng giám định; tổng hợp, đánh giá kết quả.

Sau khi hoàn thành 10 bước giám định nêu trên, cơ quan giám định đưa ra kết luận giám định căn cứ vào nội dung câu hỏi theo quyết định trưng cầu hoặc yêu cầu giám định của cơ quan trưng cầu hoặc của người yêu cầu giám định. 

Quá trình giám định, trong trường hợp không phải làm xét nghiệm cận lâm sàng phải trả kết luận giám định trong vòng 3 ngày từ khi đủ hồ sơ và tiếp nhận giám định. Trường hợp phải hội chẩn hoặc làm các xét nghiệm cận lâm sàng, thì trả kết luận giám định trong vòng 9 ngày kể từ ngày giám định trừ trường hợp phát sinh tình tiết mới.

Theo quy định của Bộ Y tế, toàn bộ hồ sơ giám định được thiết lập, lưu tại cơ quan giám định theo quy định chung và quy định của cơ quan giám định.