"Truy vấn" các cơ quan về kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em

Thái Anh

(Dân trí) - Cử tri, nhân dân cả nước nêu yêu cầu với các cơ quan quản lý, điều hành nhà nước trước mắt cần khẩn trương có kế hoạch tiêm vắc xin để trẻ em có thể đến trường vào học kỳ 2 năm học 2021-2022.

Vừa hoàn thành báo cáo công tác tháng 8/2021 gửi UB Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các hoạt động sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (tháng 7/2021), các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Tổng hợp lại, Ban Dân nguyện thông tin, cử tri quan tâm đến nhiều vấn đề phản ánh, kiến nghị của cử tri nhiều vấn đề cụ thể liên quan đến dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, cử tri đề nghị giao Bộ Y tế, Sở Y tế làm đầu mối thực hiện đấu thầu tập trung trong việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện y tế phục vụ phòng chống dịch thay vì giao cho các bệnh viện thực hiện như hiện nay.

Lý do là các bệnh viện không đủ nhân lực để thực hiện nhiệm vụ này do phải tập trung nguồn lực vào công tác khám, chữa bệnh.

Truy vấn các cơ quan về kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em - 1

Để trẻ em có thể trở lại trường học, mỗi địa phương đang có những tính toán khác nhau. Hà Nội dự kiến trong tháng 11, khi tiêm phủ đủ 2 mũi vắc xin cho người trên 18 tuổi; Bình Dương dự kiến tiêm ngay vắc xin cho nửa triệu trẻ từ 12-17 tuổi...

Cử tri cũng yêu cầu có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, động viên về cả vật chất và tinh thần cho các y bác sỹ, nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời sớm có giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong thanh toán bảo hiểm y tế đối với các trường hợp bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả.

Liên quan đến hoạt động giao thông vận tải trong điều kiện dịch bệnh, cử tri chờ đợi Bộ Giao thông - Vận tải sớm ban hành hướng dẫn quy định về vận tải trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19 để thống nhất thực hiện tại các địa phương.

Theo nhận định của các cử tri, một số quy định hiện hành chưa phù hợp với thực tiễn và thiếu nên dẫn đến việc ách tắc lưu thông hàng hóa.

Ví dụ như việc quy định mặt hàng thiết yếu được lưu thông, trong khi một số hàng hóa cấp bách như sách giáo khoa, đồ dùng học sinh để phục vụ năm học mới thì không được quy định.

Bên cạnh đó, việc chỉ quy định đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động vận chuyển hàng hóa, trong khi người điều khiển các phương tiện vận chuyển trên không thuộc các trường hợp được phép đi lại bằng phương tiện cá nhân từ nơi ở đến nơi có phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hóa.

Điều này dẫn đến tình trạng có doanh nghiệp vận tải có phương tiện vận tải nhưng không có lái xe.

Đối với công tác dạy và học trong năm học 2021 - 2022, cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với các địa phương, sớm có kế hoạch thực hiện tiêm vắc xin cho trẻ em vì hiện nay số lượng trẻ em nhiễm Covid-19 ngày càng tăng.

Trước mắt cần khẩn trương có kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 18 tuổi để các cháu có thể đến trường vào học kỳ 2 năm học 2021-2022.

Vẫn trong các ý kiến gửi tới các đoàn đại biểu, đại biểu Quốc hội, cử tri phản ánh tình hình tội phạm lợi dụng đại dịch Covid-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân thông qua việc bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và các vật tư, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch về Covid-19 có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe của người dân, đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Cử tri đề nghị Bộ Công an tăng cường các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các đối tượng này.

Cùng với đó, cử tri đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất và chia sẻ video trên mạng xã hội có nội dung không đúng sự thật về công tác phòng, chống dịch, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng; kích động, lôi kéo người dân không ủng hộ và phản đối thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thông tin về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện cho hay, căn cứ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV của các Đoàn đại biểu Quốc hội, cơ quan này đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đến nay, đã có 807/807 kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV được giải quyết, trả lời, đạt 100%.

Để giúp UB Thường vụ Quốc hội báo cáo tại kỳ họp thứ 2 dự kiến khai mạc vào cuối tháng 10 tới đây về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ban Dân nguyện đã tổ chức làm việc với một số bộ, ngành nhằm làm rõ một số vấn đề còn vướng mắc trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 10/2021.