1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Truy quét "chợ tình đồng tính": Xác định mại dâm vẫn khó xử lý

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Thiếu văn bản quy định về việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính nên cơ quan chức năng lúng túng, thậm chí là không xử lý được các hành vi này.

Suốt đêm 26/8/2022, Công an TP Thủ Đức (TPHCM) tung lực lượng truy quét khu "chợ tình đồng tính" tại phường An Khánh (Thủ Đức). Sau vài giờ kiểm tra, công an phát hiện hàng chục trường hợp đến đây để tìm bạn tình, có người còn đem theo bao cao su, gel bôi trơn…

17 trường hợp được đưa về trụ sở công an làm việc nhưng chỉ có 3 trường hợp bị lập biên bản vi phạm hành chính.

Truy quét chợ tình đồng tính: Xác định mại dâm vẫn khó xử lý - 1

Nhân viên một cơ sở bị phát hiện hoạt động mại dâm nam công khai dùng hình ảnh nhạy cảm để giới thiệu, quảng bá cho hoạt động kinh doanh (Ảnh minh họa: Đình Thảo).

Hoạt động công khai của "chợ tình đồng tính" cho thấy tình trạng mại dâm nam, mại dâm đồng tính diễn ra rất phức tạp tại TPHCM. Vài năm nay đã xuất hiện các cơ sở dịch vụ trá hình, thực tế là các "động mại dâm đồng tính" với tiếp viên nam phục vụ khách nam. Nhiều nơi bị công an phát hiện nhưng rất khó xử lý.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM, năm 2021, số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trên địa bàn thành phố là gần 4.500 người. 76% số ca nhiễm mới là nam quan hệ tình dục đồng tính. 6 tháng đầu năm 2022, thành phố có hơn 2.700 ca nhiễm HIV mới phát hiện, 73% thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Trong báo cáo hoạt động phòng chống mại dâm năm 2022 gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), UBND TPHCM nhận định, hiện hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung nên rất khó xử lý các đối tượng vi phạm. Bởi các đối tượng mại dâm hiện nay hoạt động rất tinh vi, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đối phó với cơ quan chức năng.

Tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, đối tượng cầm đầu (chủ cơ sở) không trực tiếp lộ diện mà thuê người quản lý điều hành đường dây mại dâm nên khi bị phát hiện thường không có mặt tại cơ sở, nếu có thì cũng không thừa nhận việc chứa chấp, môi giới mại dâm mà đổ lỗi cho người quản lý hoặc nhân viên tự ý hoạt động mại dâm tại cơ sở.

Trong khi thực tế, chủ cơ sở đều có chủ trương ngầm hoặc cố ý khuyến khích, "bật đèn xanh" cho nhân viên sử dụng hoạt động mại dâm để lôi kéo khách, tăng thu nhập. Dù vậy, cơ quan điều tra rất khó xử lý hình sự đối tượng chủ mưu nếu không có chứng cứ chứng minh được việc ăn chia trong hoạt động mại dâm xảy ra tại cơ sở.

Nguyên nhân là các đối tượng chủ mưu thường không ăn chia trực tiếp tiền mua bán dâm mà biến tướng thành các khoản phí như: tiền cho vay, chi phí giới thiệu việc làm, nộp phạt do vắng mặt, tặng quà, mời đi du lịch, ăn uống... để hợp thức hóa các khoản ăn chia từ tiền mua bán dâm.

Tại các cơ sở hoạt động mại dâm nam thì việc xử lý hình sự các đối tượng chủ mưu càng khó khăn hơn. Bởi cho đến nay, hành vi mua bán dâm đồng tính vẫn chưa được xem như là hành vi mại dâm nên rất khó xử lý hình sự các đối tượng môi giới, chứa chấp.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hoàng, tại Khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm quy định, bán dâm được hiểu là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị Quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1/1/2009 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì "giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào".

Việc mua bán dâm đồng tính là việc quan hệ tình dục giữa hai người nam với nhau hoặc hai người nữ với nhau sẽ không được xem là hành vi giao cấu theo quy định nêu trên. Vì vậy, hành vi này chưa được xem là hành vi mại dâm theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND TPHCM cho rằng: "Thiếu văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất về việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính nên khi các cơ quan kiểm tra, phát hiện còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Thậm chí hiện nay không xử lý được đối với các hành vi này. Đây sẽ là những kẽ hở mà đối tượng mại dâm sẽ tiếp tục lợi dụng để hoạt động trong thời gian tới".

Theo UBND TPHCM, các quy định pháp luật hiện hành trong quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội đã lộ rõ nhiều nhược điểm, thiếu thực tế và kém hiệu quả trong nỗ lực muốn kéo giảm tình hình mại dâm trong đời sống xã hội.

Vì vậy, Thành phố đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Công an sớm có văn bản quy định, hướng dẫn để thống nhất về việc xử lý các hành vi mại dâm nam, mại dâm đồng tính. 

Hướng dẫn chi hoạt động hỗ trợ người bán dâm

Theo UBND TPHCM, hiện các cơ chế, chính sách, hướng dẫn các nội dung chi và mức chi cho các hoạt động triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã hết hiệu lực. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, nhất là trong năm 2022, các hoạt động của mô hình phải tạm ngưng chờ hướng dẫn mới nên chưa triển khai được theo kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Do đó, TPHCM đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn các nội dung chi và mức chi cho các hoạt động triển khai mô hình hỗ trợ người bán dâm giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.