Cà Mau:
Trùng lắp 7.600 người nhận hỗ trợ Covid-19, tiền ngân sách có thất thoát?
(Dân trí) - Qua rà soát, Cà Mau có hơn 7.000 người trùng danh sách hỗ trợ khó khăn bởi dịch Covid-19. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng.
Trước đó, qua rà soát, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Cà Mau phát hiện có khoảng 7.600 người bị trùng lắp danh sách hỗ trợ do khó khăn bởi dịch Covid-19, với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Số tiền đang được tạm giữ trong tài khoản của các xã, phường, thị trấn hoặc đang làm thủ tục nộp hoàn ngân sách.
Đây là số người hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP và các quyết định của UBND tỉnh Cà Mau.
Liên quan đến vấn đề này, tại kỳ họp thứ 6 của HĐND tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngay từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Sở đã lường trước được vấn đề trùng lắp danh sách này.
Bởi, có nhiều người thuộc đối tượng thụ hưởng nhiều chính sách, trong khi quy định một người chỉ được hưởng một chính sách, do người lao động lựa chọn chính sách tốt nhất, tức là mức hỗ trợ nhiều nhất.
"Trong thực tế, có rất nhiều người đăng ký nhiều chính sách khác nhau, có lẽ với mong muốn được nhận hỗ trợ nhiều hơn vì khó khăn. Thêm nữa, một người có thể đăng ký ở cả địa bàn thường trú và tạm trú, để nơi nào giải quyết hồ sơ thủ tục nhanh nhất thì nhận trước", ông Thanh thông tin.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Sở đã dự liệu được việc này và triển khai biện pháp kiểm soát hai chiều, từ dưới lên (từ ấp đến xã), sau khi xét duyệt rồi thì kiểm soát xem có trùng hay không và từ trên xuống, sau khi thẩm định phê duyệt có kết hợp ứng dụng đối chiếu thủ công và cùng nhà mạng xây dựng phần mềm xác định đối tượng trùng lắp để loại trừ.
Một nguyên nhân nữa vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11/2021, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, người dân ở các tỉnh hồi hương nhiều nên đội ngũ cán bộ cơ sở nhập danh sách không kịp. Khi đưa lên, Sở nhập thông tin thì phát hiện đối tượng trùng lắp.
Mặt khác, thời gian này đang quá trình làm thêm căn cước công dân. Khi chưa có căn cước, người dân dùng chứng minh nhân dân để khai báo thông tin. Sau này, có căn cước, người dân lại sử dụng giấy tờ này, làm thêm một hồ sơ nữa. Phần mềm loại trừ không lọc được, trùng.
"Thực hiện chính sách, nếu làm chặt chẽ, làm chậm rãi thì sẽ không kịp thời, còn làm khẩn trương, quyết liệt thì có rủi ro. Nhưng rủi ro đó quản lý được, không để tiền thất thoát, phải đi thu hồi", ông Thanh nói.
Chia sẻ với "tư lệnh" ngành LĐ-TB&XH tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải hoan nghênh UBND tỉnh, các ngành và các địa phương đã vào cuộc hết sức trách nhiệm, giải quyết nhanh chóng thủ tục để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
"Trong quá trình thực hiện sở, ngành cũng tiên liệu trước được những rủi ro, như việc sẽ có trùng đối tượng do người dân khai báo để được hưởng nhiều chính sách, khai báo ở nhiều nơi… để có những biện pháp sàng lọc, tránh thất thoát ngân sách nhà nước, không đúng với quy định của Chính phủ", ông Hải đánh giá.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vì phải hỗ trợ số đối tượng lớn, trong thời gian ngắn, giữa áp lực vừa phải chống dịch, vừa làm chính sách nên khó không tránh khỏi những sơ sót. Bí thư Tỉnh ủy thông tin, qua kiểm tra đã xác định những sai sót đó nhưng không lớn và được kịp thời xử lý.
"Có trường hợp sót đối tượng, lập hồ sơ thủ tục chưa kịp thời… thì ngành Lao động tỉnh đã báo cáo đề xuất Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Chính phủ cho thêm thời gian thực hiện để hỗ trợ đủ các đối tượng. Việc làm này tôi thấy hết sức tích cực", ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Với phần phát hiện trùng danh sách, Bí thư Cà Mau chỉ đạo các địa phương đang quản lý tiền nhanh chóng nộp lại để chống thất thoát.
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có 423.043 người được hưởng hỗ trợ, với số tiền 637,4 tỷ đồng; đã chi hỗ trợ cho 413.142 người, số tiền hơn 619 tỷ đồng.
Ngoài danh sách bị trùng lắp, có 2.266 người với số tiền 4,736 tỷ đồng chưa chi là do người thụ hưởng đi làm ăn xa, địa phương chưa liên lạc được.
Tỷ lệ chi hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của tỉnh đạt 99,46%.