Trung bình hơn 7 người đóng BHXH thì có 1 người hưởng lương hưu
(Dân trí) - Tương quan giữa số người đóng BHXH và hưởng lương hưu ngày càng thu hẹp. Năm 1996, khoảng 217 người đang đóng BHXH thì có 1 người đang hưởng hưu trí. Tới năm 2020, tỉ lệ trên chỉ còn là 7,7/1.
Cảnh báo về sự mất cân đối trong dài hạn giữa quỹ hưu trí và tử tuất là một nguyên nhân chính khiến Bộ LĐ-TB&XH sớm thúc đẩy đề xuất sửa đổi Luật BHXH năm 2014.
Dự thảo sửa đổi Luật BHXH vừa được Bộ trưởng Bộ LĐ-TĐ&XH Đào Ngọc Dung trình Chính phủ xem xét.
Phân tích sâu về sự mất cân đối giữa đóng - hưởng, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ nguyên nhân: Do chính sách BHXH hiện hành được kế thừa từ các chính sách BHXH trong giai đoạn kế hoạch hóa tập trung, thiết kế chỉ dành cho công nhân viên chức khu vực nhà nước, do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Vì vậy, khi mở rộng ra các khu vực kinh tế khác, chính sách chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số.
Thắt chặt điều kiện hưởng BHXH một lần
Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - việc thắt chặt các điều kiện rút BHXH một lần là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo cân đối của quỹ BHXH về lâu dài.
Ông Trần Đình Liệu cũng đề xuất cần xây dựng chính sách theo hướng làm rõ các quyền lợi của người tham gia BHXH một lần, qua đó để người lao động hiểu và lựa chọn.
Dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, khi nhận BHXH một lần, chính sách nên quy định người lao động chỉ có thể lĩnh phần kinh phí đã đóng vào quỹ BHXH, bên cạnh kinh phí của doanh nghiệp và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Có như thế, người lao động sẽ cân nhắc tính thiệt hơn khi thực hiện việc rút BHXH một lần.
Đặc biệt chính sách còn chưa phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng dẫn đến quỹ hưu trí và tử tuất khó đảm bảo khả năng cân đối trong dài hạn.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong khi hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng bình quân 70,1%.
Trong khi đó theo thông lệ quốc tế, với mô hình hưu trí như Việt Nam hiện nay, người nghỉ hưu để có thể hưởng lương hưu trong 20 năm thì cần thời gian đóng góp bình quân ít nhất là 40 năm mới đảm bảo cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn.
Bên cạnh đó, tương quan giữa số người đóng và số người hưởng có xu hướng ngày càng giảm.
Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, năm 1996, cứ có 217 người đang đóng BHXH thì chỉ có 1 người đang hưởng chế độ hưu trí; 10 năm sau, năm 2006 tỷ lệ này là 12,6/1; đến năm 2017 là 8,2/1 và đến năm 2020 là 7,7/1.
Tỷ lệ số chi trên số thu vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian qua đang có xu hướng tăng lên.
Tới giai đoạn 2007-2014, tỷ lệ này có xu hướng giảm do quy định của Luật BHXH năm 2006 quy định lộ trình tăng tỷ lệ đóng của người sử dụng lao động và người lao động.
Tỷ lệ hưởng lương hưu trên số năm đóng góp của Việt Nam hiện nay là khá cao: Mức tối đa là 75% cho 35 năm đóng góp đối với nam và 30 năm đóng góp đối với nữ, tương ứng với tỷ lệ tích lũy là 2,14% cho mỗi năm đóng góp đối với nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp đối với nữ.
Trong khi đó, hầu hết các nước đều quy định sau 40 năm đóng góp, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa không quá 60% như Trung Quốc, Hàn Quốc.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tỷ lệ này vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính sách hưu trí của Việt Nam đang được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế đánh giá thuộc loại hào phóng nhất thế giới.
Đề xuất về chế độ hưu trí
Trong dự thảo Tờ trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất nhiều giải pháp liên quan tới nội dung chế độ hưu trí trong dự thảo Luật BHXH.
Theo đó, Dự thảo đề xuất sửa đổi công thức tính lương hưu phù hợp với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí.
Bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng BHXH một lần theo hướng nếu thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi.
Bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu.
Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, quy định về tuổi nghỉ hưu...