Cần Thơ:
Triển khai nhanh Nghị quyết 68/NQ-CP để người dân nhận tiền hỗ trợ sớm
(Dân trí) - Đối với nhiều người lao động ở Cần Thơ đang mất việc hoặc ngừng việc do Covid-19, khoản tiền hỗ trợ từ Nghị quyết 68/NQ-CP là giải pháp duy nhất lúc này.
Mong sớm được hỗ trợ
Chị Nguyễn Thị Chăm làm việc ở bộ phận bếp của một trường tư thục ở quận Ninh Kiều (Cần Thơ). Chị được ký hợp đồng lao động và đã đóng BHXH được 5 năm. Tuy nhiên mấy tháng nay, nhà trường đóng cửa nên chị không có thu nhập gì, cuộc sống trở nên rất khó khăn.
Chồng chị là lao động tự do. Hiện cả 2 vợ chồng đều thất nghiệp, trong khi chỉ còn mấy ngày nữa là sinh mà trong nhà không còn một xu nào để lo chi phí.
Trường đóng cửa từ tháng 5 đến nay, các nhân viên phải nghỉ việc không lương, không nhận được bất kỳ hỗ trợ nào. Đồng nghiệp của chị ai về quê được đều về hết, những người buộc phải ở lại thành phố đều sống rất khó khăn.
Vợ chồng chị đã thất nghiệp nhưng lại có 2 con nhỏ nữa nên không thể về quê được. Mấy tháng nay gia đình chị sống lay lắt, tiền thuê nhà cũng không có để đóng. Chồng chị hàng ngày đi làm cửu vạn, chị bầu sắp sinh nhưng cũng đi tìm việc làm lau dọn nhà cửa cho người ta để kiếm tiền.
"Chúng tôi đang rất mong nhận được hỗ trợ từ nhà nước. Sắp sinh con mà tôi không còn một đồng tiết kiệm. Khi nghe sẽ được nhận hỗ trợ, tôi mừng đến chảy nước mắt", chị Nguyễn Thị Chăm nghẹn ngào nói.
Chị Vũ Hoàng Yến là chủ của 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ giáo dục, một cơ sở ở TP Cần Thơ và một cơ sở ở TP HCM. Từ tháng 4 đến nay, các cơ sở của chị đã phải ngừng hoạt động giảng dạy trực tiếp, chuyển sang hình thức dạy online không thu học phí.
Mất nguồn thu duy nhất, trong khi đó tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, tiền thiết bị hỗ trợ giáo dục vẫn phải chi trả nên doanh nghiệp của chị đang hết sức khó khăn. Tiền thuê nhà chỉ giảm không đến 20%, trong khi mấy tháng rồi cơ sở hoàn toàn phải đóng cửa.
"Doanh nghiệp tôi có 20 nhân viên, vì dịch nên đành phải cắt giảm tiền lương xuống còn 50%, mình rất áy náy nhưng may mắn là mọi người đều hiểu và thông cảm. Mỗi tháng thiệt hại cả 100 triệu đồng, chỉ chi mà không thu nên chúng tôi đang rất khó khăn" - chị Vũ Hoàng Yến nói.
Để nhân viên tồn tại được qua mùa dịch, năm ngoái chị Vũ Hoàng Yến đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc để đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp. Trong năm 2020, chị và các nhân viên đã không tiếp cận được gói hỗ trợ từ Nghị quyết 42/NQ-CP.
"Tôi rất mừng khi nghe nói gói hỗ trợ năm 2021 với ít điều kiện hơn, mong lần này chúng tôi sẽ đủ điều kiện tiếp cận. Thực sự doanh nghiệp và người lao động đang khó khăn", chị bày tỏ.
Anh Hồ Ngân Giang là giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch- lữ hành ở TP Cần Thơ cho biết doanh nghiệp của anh đang điêu đứng, cầm cự khó khăn vì đại dịch.
Đợt lễ 30/4 - 1/5 do dịch bùng phát bất ngờ nên công ty của anh đã phải hủy đón gần 30 đoàn khách, thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Từ đó đến nay thì dừng hoạt động nhưng vẫn phải trả chi phí mặt bằng, tiền lương nhân viên… khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng.
"Hiện tại chúng tôi cầm cự rất khó khăn, không biết nếu tình hình này còn tiếp diễn thì công ty còn duy trì được bao lâu nữa. Từ đầu tháng 7, khi được Sở Văn hóa thể thao và du lịch TP Cần Thơ phổ biến về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP tôi thực sự rất vui, hiện tôi đang hoàn thiện thủ tục để được nhận hỗ trợ trong thời gian sớm nhất", anh Hồ Ngân Giang nói.
Sẽ triển khai nhanh nhất có thể
Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ, ngày 16/7, trao đổi với PV Dân Trí, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ Dương - đã thông tin về việc thành phố ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND nhằm thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
Theo đó, mục đích của kế hoạch này là triển khai, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do dịch Covid-19, góp phần phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực do dịch Covid-19, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Ông Dương Tấn Hiển cũng cho biết: "Lãnh đạo thành phố yêu cầu mọi khâu đều phải làm nhanh để người dân được nhận tiền hỗ trợ sớm. Tuy nhiên phải đúng người, đúng đối tượng, không để bất kỳ ai đủ điều kiện mà không được nhận hỗ trợ".
Theo kế hoạch, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ sẽ chịu trách nhiệm chính trong các công tác tư vấn, tham mưu cho UBND TP và cũng chịu trách nhiệm chính trong các công tác xuyên suốt quá trình triển khai kế hoạch.
Trong quá trình triển khai các công việc hỗ trợ người dân, các công tác họp, hội nghị, chỉ đạo sẽ được tổ chức trực tuyến và ưu tiên hình thức làm việc trực tuyến từ cấp thành phố đến cấp phường, xã, thị trấn.
Tất cả các đơn vị liên quan sẽ cử đại diện tham gia nhóm trò chuyện mạng xã hội Zalo phục vụ công tác triển khai kế hoạch của TP. Việc tiếp nhận hồ sơ của người có nhu cầu được hỗ trợ và chi trả tiền hỗ trợ cũng ưu tiên các hình thức trực tuyến, chuyển khoản.