Trẻ em bị xâm hại dẫn tới mang thai, sinh con được hỗ trợ như thế nào?
(Dân trí) - Cử tri Nghệ An kiến nghị có chính sách hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai và phải làm mẹ ở độ tuổi vị thành niên.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Nghệ An liên quan đến chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại tình dục dẫn đến mang thai, phải làm mẹ ở độ tuổi vị thành niên.
Cử tri nhận định đây là một thực trạng đau lòng, không chỉ gây ảnh hưởng về mặt tâm lý, thể chất mà còn đặt ra rất nhiều khó khăn cho các em khi phải nuôi con trong độ tuổi chưa thành niên.
Theo văn bản trả lời của Bộ LĐ-TB&XH, thời gian gần đây, dư luận bức xúc trước một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của nạn nhân.
Các hành vi xâm hại trẻ em cũng gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức xã hội, gây tâm lý lo lắng trong dư luận.
Theo Luật Trẻ em năm 2016, trẻ em bị xâm hại tình dục được coi là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và được nhà nước hỗ trợ theo 4 nhóm chính sách quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ.
Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 đã quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em bị xâm hại tình dục được hỗ trợ chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng hoặc tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà ở xã hội.
Trong những năm qua, HĐND một số tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Bình Thuận, An Giang, Hậu Giang và Hà Nội đã ban hành nghị quyết về chính sách cho các nhóm đối tượng đặc thù, bao gồm trẻ em bị xâm hại tình dục. Riêng tỉnh Kiên Giang và thành phố Hải Phòng đang xin ý kiến cơ quan liên quan về chính sách này.
Năm 2024, nhân Tháng hành động vì trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các địa phương, bộ, ngành tổ chức tăng cường "hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em", trong đó ưu tiên nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị xâm hại tình dục.
Tại văn bản trả lời kiến nghị cử tri, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND và HĐND tỉnh Nghệ An nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, trợ giúp xã hội cho nhóm trẻ em này theo thẩm quyền.
Chính sách hỗ trợ trẻ em đặc biệt khó khăn được quy định tại mục 2, chương II, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP:
Điều 18. Chính sách chăm sóc sức khỏe
1. Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
2. Nhà nước trả hoặc hỗ trợ trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh hoặc giám định sức khỏe cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
3. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng các chính sách chăm sóc sức khỏe khác theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Chính sách trợ giúp xã hội
1. Nhà nước thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng đối với cá nhân, gia đình nhận chăm sóc thay thế; hỗ trợ chi phí mai táng và chế độ trợ cấp, trợ giúp khác cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội.
2. Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại theo quy định của pháp luật về chính sách trợ giúp xã hội cho trẻ em bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được bảo vệ khẩn cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định này.
Điều 20. Chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Điều 21. Chính sách trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác
1. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.
2. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em khác theo quy định tại Điều 48, 49, 50 Luật trẻ em.