1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tranh cãi lấy ý kiến trẻ về đất đai: Có phải "trẻ em biết gì mà góp ý"?

Hoài Nam

(Dân trí) - Việc lấy ý kiến trẻ em về đất đai, theo ý kiến nhiều chuyên gia, trẻ cần được nói lên nguyện vọng của mình nhưng phải tránh việc tổ chức mang tính hình thức.

Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 11/3 thu hút nhiều nhà quản lý, chuyên gia luật và có cả sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên tại TPHCM.

Tranh cãi lấy ý kiến trẻ về đất đai: Có phải trẻ em biết gì mà góp ý? - 1

Nhiều học sinh, sinh viên dự Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (Ảnh: Hoài Nam).

Chia sẻ bên lề, nhiều đại biểu nói lên quan điểm về hình ảnh tại Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua. 

Hình ảnh các em học sinh đeo khăn quàn đỏ đang ngồi phía dưới hội nghị làm dư luận tranh cãi nảy lửa. Nhiều người cho rằng lấy ý kiến trẻ về lĩnh vực đất đai, cụ thể là Luật đất đai sửa đổi là quá hình thức, không thực tế, thậm chí là viển vông vì "trẻ em thì biết gì về đất đai". 

Nói về những phản ứng quanh việc lấy ý kiến trẻ em về đất đai tại Trường THCS Lương Yên, TS Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bày tỏ: "Theo tôi, không có vấn đề gì ở đây. Khi các cháu nói lên nguyện vọng của mình, chúng ta cần phấn khởi vì điều đó". 

Tranh cãi lấy ý kiến trẻ về đất đai: Có phải trẻ em biết gì mà góp ý? - 2

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Hải cho hay, Quốc hội nói rõ lấy ý kiến toàn dân, chứ không phải ý kiến từ người trưởng thành trở lên. Đây cũng là việc khuyến khích các cháu nhỏ tham gia dần dần, từng bước vào các vấn đề đời sống xã hội. Chúng ta cần chắt chiu từng ý kiến nhỏ của trẻ, khuyến khích việc lấy ý kiến của trẻ, tôn trọng trẻ nhỏ.

Luật Trẻ em 2016 quy định: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng. 

"Ý kiến của trẻ có thể rất ngây thơ, từ nguyện vọng, đề xuất như "chúng cháu muốn nhà nước bố trí đất đai để xây chỗ vui chơi", "cháu muốn có khuôn viên trong thành phố", "cháu muốn sân trường phải rộng hơn"... Trẻ em sẽ là những công dân trưởng thành trong tương lai, các em cần nói lên được tiếng nói của mình", Thứ trưởng Lê Sơn Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Sơn Hải nêu quan điểm, việc tổ chức thể hiện được sự khách quan, tôn trọng là điều rất đáng khuyến khích. Cần tránh việc tổ chức mang tính hình thức, khiên cưỡng, nhồi nhét. 

Còn với ý kiến từ dư luận, ông trải lòng: "Chúng ta đừng xét nét quá!".

Luật sư, TS Lương Khải Ân, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, khi lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai (sửa đổi), điều cần quan tâm là hàm ý của ban tổ chức và cách tổ chức như thế nào. Đây là điều rất quan trọng.

"Nếu phía tổ chức không nhìn nhận đúng ý nghĩa, tổ chức mang tính hình thức có thể dẫn đến sự phản cảm", TS Lương Khải Ân nói. 

Nhưng theo vị luật sư này, ở một góc độ nhất định, tác động của một đạo luật không chỉ đối với những đối tượng, nhóm đối tượng mà là tác động chung với toàn xã hội. 

Trong câu chuyện lấy ý kiến trẻ em về Luật đất đai nếu chúng ta hỏi các cháu về thuế, về kinh doanh bất động sản thì vấn đề quá xa vời. Tuy nhiên, nếu khai thác ở góc độ về không gian cho việc học tập, vui chơi, giải trí thì rất đáng để các cháu đưa ra ý kiến của mình. 

Tranh cãi lấy ý kiến trẻ về đất đai: Có phải trẻ em biết gì mà góp ý? - 3

Luật sư Lương Khải Ân (Ảnh: Q/T).

"Luật Đất đai cần hướng tới việc hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và của cả xã hội. Trong xã hội đó tác động đến nhiều đối tượng như người dân tộc thiểu số, trẻ em... Trong trường hợp này ý kiến của trẻ rất đáng để ghi nhận, đáng khuyến khích để tạo sự đồng thuận cao", TS Lương Khải Ân nói thêm.. 

Sinh viên phản đối đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai

Tại hội thảo, đại diện cho nhiều sinh viên, nữ sinh Nguyễn Ngọc An Khánh, sinh viên năm 2 khoa Luật, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn bày tỏ sự quan tâm đến đề xuất của TPHCM về việc đánh thuế bất động sản thứ hai. 

Theo nữ sinh, một số trường hợp người dân có nhu cầu sử dụng đất một cách chính đáng như trường hợp gia đình nhiều con, bố mẹ muốn mua đất để lại cho con. 

Tranh cãi lấy ý kiến trẻ về đất đai: Có phải trẻ em biết gì mà góp ý? - 4

Nữ sinh Nguyễn Ngọc An Khánh (Ảnh. Q.T).

An Khánh dẫn trường hợp Đài Loan đánh thế vào thời gian sử dụng đất thay cho số lượng nhằm chống đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn. Cụ thể, luật mới đánh thuế 45% lợi nhuận của bất kỳ giao dịch bất động sản nào mới sở hữu không quá 2 năm và 35% cho những khu nhà đất sở hữu không quá 5 năm, giảm xuống còn 20% nếu thời hạn sở hữu quá 5 năm.

"Hạn chế việc đầu cơ đất cần những quy định mới. Nếu đất để không, không sử dụng quá bao nhiêu năm sẽ bị đánh thuế nhiều hơn đất có cùng thời gian sử dụng nhưng đã được sử dụng đúng công năng sẽ giúp hạn chế tình trạng đầu cơ", An Khánh đề xuất.

Nói về chia sẻ của nữ sinh ngành luật, GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ, em mới năm 2 đã tìm hiểu rất kỹ về lĩnh vực này. Như vậy có thể thấy tiềm năng của giới trẻ trong nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. 

Ông Lý gợi ý: "Em không nên dừng lại ở việc ý kiến tại đây. Trong quá trình học hãy tiếp tục suy nghĩ, có thể phát triển thêm vấn đề này thành đề tài nghiên cứu khoa học hay luận văn, luận án". 

GS.TS Phan Trung Lý nhấn mạnh Luật đất đai sẽ tác động đến rất nhiều bên từ nhà nước, doanh nghiệp cho đến lợi ích của cộng đồng nên sẽ ảnh hưởng ảnh đến tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.