Nghệ An:
Tranh cãi gay gắt quanh vụ người đàn ông đánh vợ bị phạt 15 triệu đồng
(Dân trí) - Nhiều người cho rằng mức phạt 15 triệu đồng đối với người đàn ông đánh vợ là xứng đáng nhưng phần lớn ý kiến cho rằng phạt tiền là "đánh" vào kinh tế của cả người vợ.
Ông H.Q.V. (53 tuổi, xóm Minh Hòa, xã Yên Sơn, huyện Đô Lương) đã chấp hành quyết định xử phạt hành chính về hành vi bạo lực gia đình. Theo hồ sơ, ông V. và vợ là bà H. nảy sinh mâu thuẫn liên quan đến tình cảm và tiền bạc. Người đàn ông này dùng thanh gỗ đánh đập vợ gây thương tích.
Công an xã Yên Sơn nhiều lần mời ông V. lên làm việc, nhắc nhở nhưng người đàn ông này không hợp tác nên đã lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển Công an tỉnh Nghệ An xử lý theo thẩm quyền.
Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã ký quyết định xử phạt ông V. 15 triệu đồng theo đề xuất xử lý vụ việc vi phạm hành chính của Công an tỉnh Nghệ An.
Vụ việc thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng khi được đăng tải trên một trang Fanpage có hơn 2 triệu lượt theo dõi. Người dùng facebook có tên D. bình luận: "Luật mới quá đỉnh, phòng tránh được bạo lực gia đình".
Đồng quan điểm, một người mẹ sinh nhiều con gái rất hài lòng với hình thức xử lý này. Người mẹ này còn nhắn nhủ các con rể: "Con ơi đừng đánh vợ, đánh là bị phạt, tiền mất tật mang".
"Phạt 15 triệu đồng là ngang 1,7 tấn lúa, bằng cả một vụ lao động", một người dùng mạng xã hội bình luận. Anh phân tích mức phạt này là xứng đáng với người đàn ông thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng xử phạt hành chính đối với hành vi bạo lực gia đình chưa thực sự phù hợp.
"Tiền hai vợ chồng làm ra, phạt tiền chồng thì cũng có phần của vợ trong đó. Vậy thì bà vợ vừa bị đánh, vừa mất tiền", một người dùng Facebook bình luận. "Tiền là của chung, phạt vậy chẳng khác phạt cả vợ, bởi vậy nhiều vụ bạo lực gia đình người phụ nữ che giấu là vậy", bạn O.N phân tích.
Bạn N.N hiến kế: "Không nên phạt tiền. Đánh vợ phạt tiền, tăng thu ngân sách nhưng gánh nặng vẫn về ai? Về người vợ. Nên bắt ông chồng đi làm công ích đi".
Chị M.H. cho biết, nơi chị sinh sống nếu ai có hành vi bạo hành với vợ, con hay với bất kỳ ai thì chính quyền địa phương yêu cầu lao động công ích. Thời hạn lao động công ích dài hay ngắn tùy theo mức độ vi phạm, ít nhất là một tuần, sau đó mới xử lý. Nhờ cách xử lý này mà tình trạng bạo hành đã giảm hẳn.
Ý kiến của chị H. nhận được sự đồng tình của nhiều người. Đa số ý kiến cho rằng, cần phải có biện pháp phù hợp, quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của người đàn ông trong gia đình.
Trong đó, nhiều người dùng mạng xã hội đồng ý với phương án phạt lao động công ích người thực hiện hành vi bạo lực gia đình, thậm chí là "nhốt vài ngày để cho chừa".
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng khuyên những người vợ bị chồng bạo hành mạnh dạn báo chính quyền và công an để được hỗ trợ, giúp đỡ, đồng thời để người thực hiện hành vi bạo lực gia đình bị xử lý đích đáng.
Tuy nhiên cũng có ý kiến rằng, để xảy ra tình trạng bạo hành gia đình, trong nhiều trường hợp là "tại anh, tại ả". Do vậy, người vợ cũng cần phải biết khéo léo, nhẹ nhàng trong ứng xử, tránh thiệt mình.
Bạn D.P hài hước: "Thấy chồng bốc hỏa, cô vợ nên nhanh trí nói "anh đừng đánh em, tránh mất tiền oan". Thay vì mất tiền phạt thì hai vợ chồng dùng tiền đó đi du lịch giảng hòa".