Trang viết của người lính trinh sát
Mùa thu năm 1978, chàng trai Nguyễn Tuấn nhập ngũ. Mùa thu năm ấy, thanh niên ra trận nhiều quá. Các chàng trai Hà Nội tràn về các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình… nhập vào các trung đoàn huấn luyện 582, 584…
…Chỉ ít ngày sau, những đoàn tàu quân sự đưa tất cả về biên giới Tây Nam.
Vào chiến trường, những tân binh này, chưa biết đánh đấm thế nào. Mang tiếng huấn luyện ba tháng, nhưng chỉ được bắn mỗi ba viên đạn. Cũng chẳng biết có trúng mục tiêu hay không. Người báo bia, người ghi chép… báo là trúng. Thậm chí trúng với số điểm cao. Để tất cả vui. Để tất cả hãnh diện về khoe với người thân. Và, quan trọng hơn, để có khí thế vào trận.
Sau năm năm ở chiến trường, gặp địch hàng trăm trận, Nguyễn Tuấn may mắn còn sống. Được trở về. Về nhà giữa thời buổi khó khăn kinh khủng, như bao đồng đội, anh bị cơn lốc mưu sinh cuốn đi với vận tốc của cơn bão lớn. Tìm kiếm công việc; làm quen với môi trường mới; lấy vợ; sinh con; lo nuôi con lớn; lo chăm sóc cha mẹ; lo gây dựng cho mình một mái nhà; lo đấu tranh chống trù úm của các đồng nghiệp ở lại hậu phương; lo sa thải; rồi bị cho về "một cục"; lại lo thất nghiệp; lo con lớn có công ăn việc làm… và hàng trăm thứ lo không tên khác. Thời gian cứ vần xoay người lính đến chóng mặt, vã mồ hôi. Ký ức chiến tranh tưởng như đã lùi xa, rất xa.
Biết kể cùng ai về những tháng năm xa xôi ấy?
May mà, hàng năm, lính tráng nhớ ngày nhập ngũ, nên hội tụ. Nhưng trong hàng chục lần hội tụ ấy, hỏi có ai cùng nhớ chuyện chiến trường K? Giữa không khí ồn ào, tay bắt mặt mừng ấy, chỉ là những chuyện cãi vã với nhau, hỏi thăm mấy câu xã giao, hẹn đi thăm đồng đội ở các tỉnh, rồi "đánh chén"; rồi hứng lên, đi hát karaoke mấy bài lính mục… rồi về ngủ khì. Bao ngày tháng, chu kỳ ấy cứ lần lượt trôi qua trên những mái đầu dần điểm bạc.
May sao, có một tiếng gọi thiêng liêng.
Tiếng gọi ấy cất lên từ những miền xa thẳm. Trong tâm linh người lính. Từ những nghĩa trang trên những miền đất chân trời, nơi bao đồng đội ngã xuống. Họ chết thay người sống. Họ nằm trong đất. Mặt ngửa lên trời. Họ im lặng. Họ có nói gì đâu. Họ có trách gì đâu. Nhưng nhìn họ, nhìn gương mặt tuổi 20 vô cùng đẹp, vô cùng trong sáng, trẻ hơn con mình bây giờ, buộc Nguyễn Tuấn và đồng đội phải kể lại.
Tiếng gọi ấy cất lên ngay chính giữa hôm nay. Giữa cuộc đời bộn bề vận động. Hiện tại có gì để nói không? Lạ thật, rời quân ngũ, mỗi người lính trải qua nhiều môi trường sống khác nhau, nhưng tại sao, ai cũng không nhớ. Mà tất cả chỉ nhớ về một không gian, một thời gian. Không gian ấy, là những tỉnh Ratarakiri, là Stung Treng, là Siêm Riệp, là Preach Vihia… xa xôi; Thời gian ấy, là những ngày áo lính bạc màu, quần đằng sau ra đằng trước, là vác AK khua sương đạp mìn, là cơm vắt muối hầm, là bò tìm tàn thuốc, là mấy bài hát dân ca Khmer, là những đêm gác tử sỹ, là những phút giây chứng kiến đồng đội hấp hối, gửi những lời trăn trối vào rừng Miên… So sánh cái hôm nay và hôm qua, Nguyễn Tuấn cùng nhiều đồng đội khác càng biết thương nhớ và trân trọng cái quá khứ bé nhỏ ấy của mình.
Sau hơn bốn mươi năm, Nguyễn Tuấn mới tập hợp những câu chuyện của mình thành một tập hồi ức, lấy tên "Cỏ cháy vùng biên" (NXB Hội Nhà văn - 2022). Cỏ là hình ảnh ẩn dụ của người lính. Có bị phạt ngọn, cỏ vẫn sống. Có bị giẫm đạp, cỏ vẫn vươn. Có bị cuốc lật, cỏ vẫn hồi sinh. Có bị đốt, cỏ vẫn chờ thời mọc lại. Hình ảnh cỏ cháy tượng trưng cho cuộc chiến. Màu lửa là màu của trận chiến, của giao tranh, của sinh tử… Khái niệm vùng là những nơi dấu chân anh cùng đơn vị đi qua, là những địa danh lần đầu nghe trúc trắc nhưng khi đã thấm mồ hôi và chôn vùi máu xương đồng đội, lại trở nên vô cùng thân thương. Và vùng biên là nơi những người lính ngày đêm canh giữ biên cương. Từ biên cương nước mình đến biên cương nước bạn. Giá trị của cuốn sách, tuy nhỏ bé, nhưng không thể đo lường.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ nhận xét: "Không phải là nhà văn, chỉ là người lính viết lại những chuyện của lính, chính điều đó khiến "Cỏ cháy vùng biên" của Nguyễn Tuấn có sức hấp dẫn theo kiểu "hữu xạ tự nhiên hương", người đọc bập vào không thể dứt ra được. Chiến sự ác liệt, gian khổ, hy sinh đến độ lính có thâm niên nghe nhắc đến những địa danh như Đồi Tròn, Kam Tuất, Kămparạ, Anlong Veng… đều không khỏi rùng mình ớn lạnh.
"Ông Nguyên - Tiểu đoàn phó D9 cùng bốn lính bỏ ngũ chạy sang Thái Lan trong một dịp truy quét gần biên giới" (tr. 185). Cán bộ cấp tiểu đoàn vẫn "bùng thoát", điều đó cho thấy mức độ gian khổ hy sinh ngoài sức tưởng tượng của bao người. Dẫu vậy, lính đáy (lính trơn) vẫn không hề phân tâm, vẫn gắn bó với nhau, vẫn ngày lại ngày cầm súng đi truy quét, tuần phục. Phản ánh chân thực, sinh động như cuộc sống vốn có của lính đã tạo nên sức hấp dẫn của "Cỏ cháy vùng biên".
Nhà văn Trung Sỹ rất thích đoạn canh gác tử sỹ: "Thi hài của Phúc được đưa về một góc rừng cuối tiểu đoàn bộ, tôi được cắt cử gác ca 10 giờ đêm... Tôi vén áo mưa sát lên cổ, tìm một chạc cây ngồi cạnh tử sỹ, cố quên khuôn mặt biến dạng của Phúc, lúc này tôi cũng bình tâm trở lại, mọi vật quanh mình cũng trở nên bình thường không ma quái, xa xa tiếng mang toác thảng thốt, nghe như tiếng kêu lạc giọng của ai gọi trong đêm, tiếng ễnh ương kêu "ồ uôm" như tiếng kêu từ dưới lòng đất, thỉnh thoảng trên cao tiếng vỗ cánh của những con cú săn đêm…
Ngồi đây với đồng đội có 1 tiếng đồng hồ thôi để cho đồng đội ấm lòng, nơi đây không đèn nhang hương khói nhưng có tình nghĩa của những người cùng cảnh ngộ. Ngồi đây với đồng đội để nghĩ đến bản thân mình... rồi ngày mai ngày mốt mình cũng sẽ được các đồng đội tiễn đưa ân cần. Một người lính đầu tiên bị hy sinh nơi này, cảm giác linh hồn của Phúc cô đơn quá. Thương quá Phúc ơi!".
Và đây là câu chuyện về nồi miến công trong cái Tết giữa vòng vây của địch - Tết năm 1981: "Thực phẩm ngày một cạn kiệt, chỉ còn lại nửa tải cá khô nhung nhúc giòi. Thịt nạc xay còn vài hộp để dành lúc có thương bệnh binh nấu cháo, lá giang nấu canh chua ăn mãi cũng chán. Đột nhiên Nguyễn Hồng Trưng, liên lạc đại đội 6 hồ hởi đi tới, trên tay xách một con công khá to quăng xuống nền bếp:
- Làm đi, chiều nay chúng ta được ăn Tết nhé!
Con công đực khá đẹp đã chết cứng, bị mất đầu và gãy một bên cánh. Tôi nhanh tay nhổ vội vài cái lông đuôi để cài vào ba lô trang trí. Các lính cũng xúm vào vặt, chỉ một loáng bộ lông đuôi trụi thùi lụi. Hóa ra con công này chết mìn tối hôm qua.
Chiều xuống, không còn bóng nắng chói chang, chúng tôi tụ tập giữa sân đại đội. Một nồi quân dụng miến thịt công được hai anh nuôi khiêng ra. Lính tráng mỗi người một góc, vai vẫn đeo súng, xì sụp húp miệng khen tấm tắc. Một nồi miến không bao giờ quên, một cái Tết muộn của lính bộ binh C6. Tuy không gia vị, không hành ngò… chỉ cho thêm nắm mộc nhĩ tươi vừa nhặt ở mấy khúc gỗ kè hầm, vị ngọt của thịt công thấm mãi trong lòng tôi, mãi mãi không thể quên cái cảm giác ấy.
Đêm hôm sau, chẳng thấy địch quấy nhiễu. Mãi đến 4 giờ sáng mới có một tiếng nổ lạc lõng trong bãi mìn... thằng Đi nhỏm dậy reo to:
- Lại sắp có chất tươi ấm chân răng rồi đồng hương ơi!
Tất cả anh em trong đơn vị khấp khởi chờ đợi. Sáng ra Trưng đã nai nịt gọn gàng, miệng cười rạng rỡ, nói tếu với anh nuôi Sanh Điếc. Anh Lánh Đại đội phó lóc cóc đuổi theo Trưng, vừa chạy vừa gọi:
- Cho anh đi với! Tiện thể anh xem lại bãi mìn, còn bổ sung thêm.
Hai anh nuôi hì hụi đun một xoong nước to, chưa kip sôi thì bỗng nhiên một tiếng nổ khô khốc trong bãi mìn, tiếng mìn QK5... Mìn của ta, tất cả ngây người chết lặng. Tôi và anh Than Đại trưởng cùng mấy lính bộ binh lao về hướng bãi mìn. Lại một tiếng nổ rắn đanh, lần này là tiếng mìn KP2 của địch. Anh Than khựng chân lại như bị vướng mìn:
- Trưng ơi! Lánh ơi! Các em ơi!
Anh gào lên trong nước mắt, tôi lao lên kéo áo anh Than:
- Anh bình tĩnh đi anh Than! Sắp vào bãi mìn rồi, để em, em biết lối.
Tôi đi theo những cọc tiêu bí mật mà Trưng đã chỉ cho tôi, qua khoảng rừng xanh đến bãi cỏ tranh đã cháy đen hết gốc. Nhìn thấy anh Lánh đang ôm chặt ống đồng, máu loang trên mặt đất đầy tàn tro bụi, Trưng nằm sấp bất động bên cạnh con mang đã chết. Anh Lánh vừa rên vừa kêu trong cơn đau:
- Cẩn thận đấy, có mìn của địch gài. Nhìn cho thật kỹ rồi vào.
Tôi dò từng bước dẫn đội hình đến cõng anh Lánh và Trưng ra khỏi bãi mìn, không thèm để ý đến con mang, lúc này không còn ham muốn gì nữa. Theo lời anh Lánh kể trước lúc hấp hối… bọn địch đã chui vào bãi mìn, chúng tháo mìn QK5 gài lại trong lối mòn của ta hay đi, chúng còn gài thêm một cơ số mìn KP2 và đặt con mang đã chết làm mồi nhử. Trước khi hy sinh, Trưng còn ngăn không cho anh Lánh bước vào, sợ anh vào bãi mìn lại vướng mìn như mình. Anh cố tiến tới để cứu Trưng, nhưng vì quá căng thẳng nên anh vướng tiếp quả mìn thứ hai. Đưa hai người về doanh trại. Nồi nước Trưng dặn đun sẵn, giờ đây lại trở thành nồi nước tắm rửa cho Trưng".
Vâng, đối với nhiều người, đó chỉ là một tổn thất bé nhỏ trong một cuộc chiến tranh bé nhỏ. Bé nhỏ, vì nó chỉ kéo dài hơn 10 năm (1977-1989). Bé nhỏ, vì nó ở rất xa. Bé nhỏ, vì hàng ngàn, hàng vạn người lính hy sinh, nhưng ít khi được nhắc tới. Bé nhỏ, vì cuộc sống mỗi ngày có bao nhiêu sự kiện dồn lấp, chôn vùi nó. Bé nhỏ vì rất nhiều lý do khác… Nhưng cuộc chiến bé nhỏ ấy, nó cứ hiện ra, nó cứ trở về. Nó quấy rầy anh, nó ám ảnh anh, nó buộc anh phải kể về nó.
Kể ra để làm gì?
Cho chính anh. Cho ký ức không chết. Ký ức chết khi chính anh không nhớ. Cho đồng đội anh. Họ đọc. Họ cùng nhớ. Họ cùng bổ sung. Và họ cùng nhớ lại. Trận ấy, ngày ấy, họ đang ở đâu? Làm gì? Ai sống? Ai chết? Ai bị thương? Tất cả cùng nhớ. Ký ức tập thể được cùng ghi lại, sẽ tạo thành sức mạnh. Sức mạnh tinh thần. Sức mạnh thiêng liêng.
Và cho rất nhiều bạn đọc.
Những bạn đọc chân chính.
Những bạn đọc đã chán những quyển sách dày cộp nhạt nhẽo, những trang sách viết về chiến tranh một cách ráo hoảnh, những trang sách mà cả người viết lẫn người ca đều biết về chiến tranh một cách đại khái, qua loa… Có lẽ, qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bạn đọc bây giờ mới được đọc những trang sách vô cùng trung thực về chiến tranh của những người lính trực tiếp chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Những trang sách của Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thành Nhân, Trung Sỹ, Nguyễn Vũ Điền, Bùi Quang Lâm cùng hàng trăm cây bút khác đã làm nên trào lưu văn học viết và văn học mạng về chiến trường K. Họ viết bằng chính máu xương của họ. Vì thế, tính trung thực được đồng đội soi tường tận. Độ tin cậy được đồng đội làm chứng.
Không có ước mơ nào mà không thể thực hiện, nếu bạn có ý chí và lòng kiên nhẫn. Nếu không có chiến tranh, Nguyễn Tuấn có thể trở thành một họa sỹ, một sinh viên văn khoa. Chỉ còn một năm nữa thôi là anh có thể dự thi vào đại học. Nhưng kẻ thù đã tràn qua biên giới. Bỏ sách. Bỏ bút. Cầm cây súng. Cầm địa bàn. Dẫn đơn vị đi chiến đấu. Rồi khi bình tâm, lại cầm bút. Cả bút vẽ và bút viết.
Một con người như vậy, cũng đủ cho hôm nay.
Một người lính như vậy, cũng đủ cho hôm nay.
Một cuốn sách như vậy, cũng đủ cho hôm nay.