"Trận đánh" vượt số phận của người lính để lại đôi chân ở chiến trường
(Dân trí) - Tỉnh dậy, người lính trẻ bàng hoàng khi đôi chân không còn. Rời chiến trường, anh lính về quê và bước vào một trận chiến mới mà không được để thất bại.
Bước đi bằng tay của chàng trai 20 tuổi
Khi đủ 18 tuổi, anh thanh niên Trần Thanh Tùng (SN 1966, trú phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đã lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào Binh đoàn Cửu Long, tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc.
Năm 1986, trong một lần đi lấy nước cho đơn vị, anh thượng sĩ trẻ tuổi không may sa vào ổ mìn địch cài bên bờ sông. Một tiếng nổ vang lên, người thanh niên ấy chỉ thấy một quầng sáng bốc cao rồi không biết gì nữa.
Cũng không biết bao nhiêu thời gian trôi qua, khi tỉnh lại người lính trẻ bàng hoàng phát hiện đôi chân đã hoàn toàn biến mất. Năm 20 tuổi, bao nhiêu dự định và hoài bão của anh đã trở nên dang dở.
Trở về quê với thương tật 95%, xếp hạng thương binh 1/4, chàng thanh niên Trần Thanh Tùng trở nên khép kín, dễ nổi giận với mọi người xung quanh.
Có những khi, anh ngồi lặng hàng giờ, nhìn đám lục bình lững lờ trôi trên dòng kênh trước nhà. Và đã có thời điểm, anh muốn buông xuôi, muốn kết thúc khỏi sự bế tắc đến cùng cực này.
Thế nhưng, chính những phút giây trầm mặc bên dòng sông ấy, người lính trẻ đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình, điều mà anh không dám nghĩ đến khi trở thành người tàn phế.
Bà Nguyễn Thị Đức - vợ thương binh Trần Thanh Tùng - kể: "Hồi đó tôi 17 tuổi, phụ mẹ bán rau phía bên này kênh. Thấy ông ấy ngồi hàng giờ bất động bên bờ sông, hỏi mới biết là thương binh nặng mới về từ chiến trường. Từ cảm phục, rồi thương đến yêu lúc nào không hay. Chính tôi là người "đánh tiếng" với ông ấy trước đó".
Hạnh phúc với tình yêu đột ngột ấy nhưng ông không dám mở lòng. Ông sợ mình trở thành gánh nặng của người ta, không thể lo cho người con gái ấy cuộc sống gia đình bình thường như những người khác. "Khổ cực, khó khăn mấy mình cùng nhau vượt. Anh không đi được thì em sẽ làm đôi chân cho anh", cô thôn nữ động viên.
Chính lời nói đã tiếp sức cho anh lính bắt đầu một cuộc sống mới. Không còn những ngày ủ dột, không còn những tiếng thở dài, người thương binh ấy quyết tập đi.
"Mình mất cả 2 chân, việc giữ thăng bằng cơ thể đã khó, nói gì đến tập đi. Chưa đi được thì bò, dùng hai cánh tay chống xuống đất, trụ để kéo cả người đi. Cả thân hình phía dưới chà xát vào nền, đau đến buốt cả óc. Lần lần mãi mãi cũng "đi" được", ông Trần Thanh Tùng kể về hành trình tập đi ở cái tuổi 20 của mình.
Đám cưới của cô thôn nữ và anh thương binh nặng thu hút sự hiếu kỳ của người dân quanh vùng. Nhiều người mừng cho họ nhưng cũng không ít người tỏ ra nghi ngại, lo lắng bởi chỉ còn 5% sức khỏe, liệu ông có thể là trụ cột để lo cho cả nhà.
Vươn lên trong khó khăn
Có một người phụ nữ để yêu thương, ông Trần Thanh Tùng tự vực mình dậy để cùng vợ cáng đáng cho gia đình nhỏ. Khi vợ mang thai, ông càng có thêm động lực để vượt qua nghịch cảnh.
Sự nỗ lực của bản thân và sự động viên khích lệ của người vợ trẻ đã khiến ông làm được những điều mà những người xung quanh không dám tin. Ngày đó kênh ở trước nhà, cá tôm nhiều nhưng nhìn mâm cơm thiếu thức ăn, ông quyết tập bơi để "cải thiện".
"Mình không có 2 chân, không giữ được thăng bằng dưới nước nên đầu nó cứ chúi xuống, suýt chìm mấy lần. Chính vợ phải theo sát nên đã kịp kéo tôi lên mỗi khi chìm xuống. Khi trải qua kỳ "sát hạch" của vợ, tôi mới được bơi ra xa để bắt cá, bắt tôm.
Dùng ghế gỗ để "đi" nên ghế mòn suốt, phải liên tục mua cái mới, cũng tốn tiền nên tôi học cách đóng ghế, rồi dần dần đóng cho vợ tủ đựng thức ăn, bàn ghế trong nhà", người thương binh kể.
Có một lần, trong lúc làm vườn vợ ông khát nước, nhìn cây dừa có rất nhiều quả, vợ buột miệng nói: Giá như hái được dừa uống nhỉ!
Sau khi nghe vợ nói, trong đầu ông nảy sinh ý định tập trèo dừa. Không có chân để bám, ông dồn hết lực vào cánh tay, di chuyển từng chút một. Leo lên khó một thì lúc xuống lại khó đến 10.
"Khoảng 3 tháng sau, tôi tự tay hái được dừa cho vợ uống. Vợ tôi mừng rớt nước mắt. Vợ tôi nói, bà vui không phải vì chồng sắp có một nghề mới mà vì chồng đã chiến thắng được số phận, vượt lên chính mình" - ông vui mừng kể lại.
Ông cho biết thêm: "Thực ra với số tiền trợ cấp thương tật của tôi thì kinh tế không đến nỗi khó khăn. Nhưng mình tàn chứ đâu có phế. Hơn người ta thì tôi không dám nói nhưng mọi người làm được thì tôi cũng phải cố làm bằng được. Chỉ cần kiên trì, quyết tâm thì việc gì cũng làm được cả".
Các con khôn lớn, lập gia thành thất, ông bà có thêm nguồn vui với 2 đứa cháu nội. Vết thương hành hạ khiến sức khỏe ông Trần Thanh Tùng giảm sút, không thể leo dừa hay ra sông đánh cá như trước nữa.
Hàng ngày người thương binh và vợ chăm sóc mảnh vườn con con, nuôi đàn gà, chơi với các cháu. Với ông, như thế là đã đủ đầy và hạnh phúc rồi.