1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Trải nghiệm 24 giờ xoay trong căn phòng 16m2 của gia đình công nhân

Hoài Sơn
Đà nẵng

(Dân trí) - Hầu hết người thuê phòng ở bên trong khu công nghiệp ở Đà Nẵng đều là hộ gia đình 3-4 người. Một gia đình chật vật sống với diện tích phòng 16m2, vốn trước đây được xây để bố trí cho 1 người ở.

Đi lại trong nhà phải... né nhau

Buổi chiều giữa tháng 5, khi chúng tôi ghé thăm, trong khu nhà công nhân tại Khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm, gia đình chị Phạm Thị Minh Thời đang đốt nến chúc mừng sinh nhật tuổi 26 của chị.

Trên diện tích sàn 16m2, gia đình để 1 chiếc nệm ngủ, 1 tủ lạnh, 1 tủ quần áo, 1 chiếc bàn nhỏ, bếp nấu ăn tạm bợ nữa là kín chỗ. Cả nhà 3 người loay hoay ăn, ngủ, sinh hoạt trong không gian chật hẹp, đi lại trong phòng cũng phải né nhau.

Nhiều lúc chị Thời cũng muốn bỏ đi thứ gì đó để căn phòng rộng hơn, có chỗ cho con gái cựa quậy chút nhưng rồi lại thôi vì lúc cần không biết lấy đâu mà dùng.

Trải nghiệm 24 giờ xoay trong căn phòng 16m2 của gia đình công nhân - 1

Gia đình chị Phạm Thị Minh Thời sinh hoạt trong căn phòng 16m2 (Ảnh: Hoài Sơn).

"Rẻ tiền, gần chỗ làm của tôi và chồng", chị Thời nói về lý do chọn căn phòng 16m2 đó làm chỗ ở và cho hay gia đình đã dọn đến đây vào năm 2020.

Hai vợ chồng làm công nhân lương tháng tổng cộng hơn 10 triệu đồng. Với mức thu nhập như vậy, cả nhà phải tính toán chi tiêu từng đồng, từ tiền cho con đi học, tiền chợ, tiền thuốc thang lúc ốm đau, tiền thuê nhà...

Nếu thuê phòng trọ bên ngoài khu công nghiệp, giá thấp nhất cũng 1 triệu đồng cùng diện tích, trong khi thuê nhà công nhân chỉ khoảng 500 nghìn đồng/tháng, đỡ được một nửa chi phí.

"Căn phòng này nếu ở một mình vẫn tốt. Nhưng gia đình có 3 người, không gian chật chội quá. Chúng tôi cũng muốn thuê ngoài để ở để thoải mái hơn thì tiền lương không đủ gánh chi phí", chị Thời nói.

Trải nghiệm 24 giờ xoay trong căn phòng 16m2 của gia đình công nhân - 2

Cũng ở trong căn phòng 16m2, chị Lê Thị Ánh Nguyệt (35 tuổi) cố gắng tiết kiệm diện tích bằng cách treo một tấm gỗ lên tường để đặt gia vị, phía dưới kệ bếp chèn chật chén đĩa, bao gạo, chậu rổ… Nhìn từ ngoài vào, cả căn phòng tối om vì chật cứng đồ đạc.

Về khu nhà công nhân này từ tháng 6/2022, gia đình chị Nguyệt có 3 người và sắp đón thêm thành viên thứ 4.

"Mỗi khi nấu ăn, tôi phải mở hết cửa ra vì nếu khói không có chỗ thoát thì chuông báo cháy sẽ reo. Nguyện vọng của tôi là muốn được mở rộng phòng để con cái có nơi sinh hoạt", chị Nguyệt kiến nghị.

Trải nghiệm 24 giờ xoay trong căn phòng 16m2 của gia đình công nhân - 3

Nhìn từ ngoài vào, căn phòng của gia đình chị Lê Thị Ánh Nguyệt tối om vì chật cứng đồ đạc (Ảnh: Hoài Sơn).

So với chị Nguyệt, phòng của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (45 tuổi) rộng hơn, 19m2, nhưng lại phải gánh sinh hoạt của 4 người. Anh Hòa phải tự chế thêm gác lửng để hai cô con gái có chỗ ngủ. Ngoài khu vệ sinh, ban công thì diện tích sinh hoạt cả nhà chỉ khoảng 11-12m2.

Chị Huỳnh Thị Phúc (vợ anh Hòa) cho hay, nhiều công nhân đã bày tỏ mong mỏi lên ban quản lý tòa nhà, các cấp công đoàn về việc tìm cách mở rộng phòng, có thể thông 2 phòng làm 1 để các hộ đông thành viên có điều kiện sống "dễ thở" hơn.

Theo công nhân ở đây, khi khu nhà ở tại đây hoạt động, nhiều người đã nộp hồ sơ nhưng sau khi đi thực tế các phòng thì rút lại vì phòng quá nhỏ, chật hẹp.

Cải tạo lại khu nhà ở công nhân

Một số cư dân ở đây cho hay, không gian sinh hoạt chung của cả khu nhà là công viên ngay lối vào. Mỗi chiều, nhiều gia đình đưa con nhỏ xuống công viên, đường nội bộ dạo chơi.

Ông Phạm Văn Thành, quản lý khu nhà ở công nhân cho hay, đa số người thuê phòng ở đây là hộ gia đình, có cả bố mẹ, trẻ nhỏ. Cả khu nhà có khoảng 100 trẻ nhỏ.

"Nơi này có chỗ vui chơi cho người lớn, có sân bóng cho công nhân rèn luyện sức khỏe nhưng khu cho trẻ em thì lại thiếu. Hy vọng có cơ quan, tổ chức hỗ trợ để con em công nhân có nơi vui chơi", ông Thành kiến nghị.

Trải nghiệm 24 giờ xoay trong căn phòng 16m2 của gia đình công nhân - 4

Cả khu nhà có hơn 100 trẻ nhỏ, không có nơi vui chơi (Ảnh: Hoài Sơn).

Ông Lê Văn Đại - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho hay đề án xây dựng khu nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm, mục đích ban đầu là để bố trí cho công nhân đơn lẻ, không bố trí cho gia đình. Thế nhưng khi hoạt động thực tế, nhiều gia đình công nhân muốn được vào ở nên mới phát sinh cảnh chật chội.

Về vấn đề trên, tại hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động Đà Nẵng, ông Trần Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết Liên đoàn lao động đã có văn bản đề nghị cải tạo phòng nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm, nới rộng từ 16m2 lên 32m2, đồng thời lắp đặt thêm thang máy. Kinh phí dự kiến 15,8 tỷ đồng.

Trải nghiệm 24 giờ xoay trong căn phòng 16m2 của gia đình công nhân - 5

Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, công trình nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) gồm 3 khối nhà có quy mô 5 tầng và một tầng áp mái với 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân với mức giá cho thuê thấp hơn giá các phòng trọ bên ngoài.

Đối tượng được thuê là những người lao động có hợp đồng làm việc từ 12 tháng trở lên với các doanh nghiệp tại các KCN ở Đà Nẵng, chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng dột nát hoặc diện tích bình quân dưới 10m2/người.