Tỉnh miền núi ưu tiên nguồn lực y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Tỉnh Thái Nguyên đã và đang nỗ lực đầu tư cho hệ thống bệnh viện tỉnh, huyện và trạm y tế xã.

Theo UBND tỉnh Thái Nguyên, sau 10 năm thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, trong lĩnh vực y tế, tỉnh ghi nhận 99,5% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có trạm y tế.

Tỉnh miền núi ưu tiên nguồn lực y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số - 1

Trạm y tế xã tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào các dân tộc thiểu số (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Thái Nguyên).

Ngoài ra, các trạm y tế còn được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực nhằm phát triển y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Qua đó, mạng lưới y tế ngày càng được phủ rộng, cụ thể trong năm 2020, tỷ lệ trạm y tế xã đạt 95% tiêu chí quốc gia về y tế.

Nhờ đó, tỉ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế đạt trung bình 90,6%; 79,8% tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ ít nhất 4 lần trong thai kỳ; các loại bệnh, dịch như sốt rét, bướu cổ, lao, phong cơ bản được khống chế.

Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm còn 15,8%; suy dinh dưỡng thấp còi giảm còn 21%.

Không dừng lại ở đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 91,9%, giúp tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi đạt trước 4 năm chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 142/QH13 của Quốc hội Khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Sắp tới, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang thực hiện 9 chính sách về y tế, dân số, chăm sóc sức khỏe; đồng thời hướng tới chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.