1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tìm lời giải cho tình trạng đuối nước ở trẻ em

Bình Minh

(Dân trí) - Thanh Hóa mỗi năm có hàng chục trẻ em bị đuối nước. Những vụ đuối nước xảy ra liên tục vào dịp hè, để lại hậu quả nặng nề với mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội.

Báo động tình trạng đuối nước

Năm nào cũng vậy, hàng chục vụ đuối nước xảy ra ở trẻ em, chủ yếu tại các vùng nông thôn, trong đó có không ít vụ đuối nước tập thể, nạn nhân là một nhóm học sinh hoặc anh chị em trong cùng gia đình.

Mới đầu mùa hè nhưng tại Thanh Hóa đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.

Tìm lời giải cho tình trạng đuối nước ở trẻ em - 1

Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa có 15 vụ đuối nước khiến 19 trẻ thiệt mạng (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Mới đây nhất, ngày 4/4 vụ đuối nước nghiêm trọng xảy ra khiến 5 học sinh của Trường THCS Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa tử vong, dư luận không khỏi bàng hoàng. Ngày định mệnh đó, do không có tiết học ở trường nên 5 em học sinh rủ nhau ra sông Mậu Khê (giáp ranh giữa xã Thiệu Duy và Thiệu Hợp) tắm và xảy ra vụ việc đau lòng.

Những vụ đuối nước liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc trẻ chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân. Môi trường sống xung quanh trẻ em cũng chưa an toàn.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), từ năm 2016-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 236 trường hợp trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 213 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước (chiếm 90,3%). Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn đuối nước, gây tử vong đối với 19 trẻ em.

Nguyên nhân được ngành chức năng đưa ra trước hết là do nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống đuối nước đối với trẻ em chưa đầy đủ. Một số gia đình thiếu sự quan tâm, giám sát trẻ em. Môi trường sống xung quanh trẻ tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn đuối nước, nhiều nơi nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ, mương nước, cống rãnh cấp thoát nước, bể nước, dụng cụ chứa nước, hố công trình... không có biển cảnh báo, biển chỉ dẫn, rào chắn, nắp đậy…

Nhiều mô hình bảo vệ trẻ em

Trước tình trạng đuối nước ở trẻ em đang ở mức báo động, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa, trong thời gian qua, địa phương đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương triển khai, thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng, chống đuối nước trẻ em.

Cụ thể, tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ các cấp, các ngành, đoàn thể liên quan.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương thường xuyên thông tin cảnh báo về các địa điểm, khu vực có nguy cơ dễ xảy ra đuối nước đối với trẻ em trên hệ thống truyền thanh của xã, phường, thị trấn; tuyên truyền đến các hộ gia đình rà soát, phát hiện kịp thời các địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước đối với trẻ em như các khu vực hố nước, hố công trình xây dựng, vùng nước sâu, nguy hiểm; hồ, ao, sông, suối, kênh, mương… để có biện pháp chủ động phòng ngừa, khắc phục, sửa chữa nhằm loại bỏ những nguy cơ gây đuối nước cho trẻ.

Đặc biệt, từ 2019 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai, thực hiện Dự án phòng, chống đuối nước trẻ em do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với tổ chức vận động chính sách toàn cầu Hoa Kỳ hỗ trợ tại các xã với mục tiêu tạo sự thay đổi nhận thức và kỹ năng về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng trẻ em đuối nước trên địa bàn trong thời gian tới.

Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc huy động, vận động các đơn vị, người dân trên địa bàn tích cực tham gia phát hiện, giám sát, cảnh giới, gia cố, cải tạo các khu vực nguy cơ gây tai nạn đuối nước trẻ em; củng cố, phát triển mạng lưới và năng lực sơ cấp cứu, cứu hộ, cứu nạn trẻ em bị tai nạn đuối nước tại cộng đồng.

Đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ học sinh trong dịp hè; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố phát động mạnh mẽ hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình "Ngôi nhà an toàn" phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; phối hợp với ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình "Cộng đồng an toàn"; mô hình "Trường học an toàn" để bảo vệ trẻ em trong sinh hoạt, học tập và vui chơi, giải trí.