Đắk Nông:

Tiết kiệm 140.000 đồng/tháng, nông dân có thể nhận lương khi về già

Đặng Dương

(Dân trí) - Nhiều nông dân ở Đắk Nông tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và coi đây như hình thức tiết kiệm, qua đó giúp có lương khi đóng đủ số năm tham gia.

Huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) là địa bàn có đông dân cư, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Tính đến hết tháng 4/2021, huyện có thêm 1.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Trong số đó có nhiều nông dân, chủ cơ sở kinh doanh nhỏ.

Ông Đinh Văn Xá (tổ 4, thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô) đang kinh doanh thiết bị điện tử di động với mức thu nhập ổn định. Trong thời gian qua, nhận thấy những lợi ích của BHXH tự nguyện, ông đã quyết định tham gia.

Theo ông Đinh Văn Xá, việc tham gia BHXH tự nguyện có phần nào giống như cách gửi tiết kiệm từng năm. Số tiền đóng BHXH được ông trích một phần từ lợi nhuận kinh doanh của gia đình.

Tiết kiệm 140.000 đồng/tháng, nông dân có thể nhận lương khi về già - 1

Ông Đinh Văn Xá tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng tiền lợi nhuận kinh doanh của gia đình.

"Khi tham gia BHXH tự nguyện, chúng tôi được hưởng rất nhiều lợi ích, chế độ. Khi tham gia đủ số năm theo quy định, chúng tôi có thể được nhận lương hàng tháng", ông Đinh Văn Xá nói.

Tương tự, ông Hồ Trọng Tín, giám đốc một hợp tác xã cà phê ở thị trấn Đắk Mâm, cũng tham gia BHXH tự nguyện. Ông từng có hơn 15 năm đóng BHXH bắt buộc khi làm ở cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sau đó vị giám đốc này nghỉ việc để phát triển thương hiệu cà phê của gia đình.

Để được hưởng các quyền lợi, ông đã tham gia BHXH tự nguyện và đóng một lần cho số năm còn lại. Đặc biệt, ông Hồ Trọng Tín còn vận động các nông dân trong hợp tác xã tham gia.

Tiết kiệm 140.000 đồng/tháng, nông dân có thể nhận lương khi về già - 2

Ông Hồ Trọng Tín (bên phải) tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần duy nhất cho số năm còn thiếu.

Ông Hồ Trọng Tín cho rằng: "BHXH tự nguyện có nhiều mức, với số tiền khoảng vài trăm nghìn đồng, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều thành viên trong HTX. Nếu 25 nông dân của HTX tham gia đóng đủ số năm theo quy định, sau này họ cũng sẽ được hưởng chế độ lương hưu hàng tháng".

Anh K'Hoa (bon Kala Dơng, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'Long, người dân tộc Mạ) hàng ngày cũng gắn với nương rẫy. Hai năm trước, anh K'Hoa đã tham gia BHXH tự nguyện.

Anh K'Hoa từng nghĩ rằng, chỉ có cán bộ nhà nước mới được nhận lương hưu. Thế nhưng, trong một lần đi họp, được phổ biến về BHXH tự nguyện, anh đã tham gia với mức đóng hơn 138.000 đồng/tháng.

"Tham gia BHXH mang lại rất nhiều lợi ích, đồng thời khích lệ bản thân làm việc để khi về già được nhận lương. Nếu không may qua đời trong thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nhà được hưởng chế độ tử tuất nên mình rất yên tâm", anh K'Hoa chia sẻ.

Số tiền hơn 138.000 đồng tương đương với một ngày công của anh. Hiện nay, anh mới 40 tuổi, việc tiết kiệm để đóng BHXH sẽ rất có lợi cho bản thân và gia đình khi già.

"Nếu năm sau gia đình có điều kiện, con cái có việc làm ổn định, tôi sẽ đóng cho cả vợ và đóng 5 năm một lần", anh K'Hoa nói.

Tiết kiệm 140.000 đồng/tháng, nông dân có thể nhận lương khi về già - 3
Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có hơn 10.000 người tham gia BHXH tự nguyện.

Chị Nguyễn Thị Dung, công chức văn hóa - xã hội xã Quảng Khê, đã vận động được 120 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong số này có nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số.

Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nên bà con nhân dân đã hiểu được tính bảo hộ của BHXH. Đặc biệt, với nhiều mức đóng, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà bà con lựa chọn để tham gia BHXH tự nguyện.

"Người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa nhân văn, quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện nên rất yên tâm tham gia. Phần lớn mọi người lựa chọn mức đóng từ 138.000 đồng đến dưới 500.000 đồng/tháng, đây là số tiền phù hợp với thu nhập của các lao động ở nông thôn " chị Nguyễn Thị Dung cho hay.

Được biết, hiện số người tham gia BHXH tự nguyện tỉnh Đắk Nông là gần 10.000 người.

Theo BHXH tỉnh Đắk Nông, hiện nay mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện từ 10% đến 30%. Nếu được nâng mức hỗ trợ, sẽ có thêm nhiều người, nhất là người dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ, chính sách BHXH khi về già.