1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ninh Bình:

"Thúc" 2.000 đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động

Thái Bá

(Dân trí) - Tỉnh Ninh Bình có gần 2.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho người lao động với gần 170 tỷ đồng. Công đoàn các cấp đã vào cuộc "thúc" các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thành trách nhiệm đóng BHXH.

Nhiều doanh nghiệp nợ đóng BHXH

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Ninh Bình, đến đầu tháng 6, trên địa bàn tỉnh có 1.863 đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động với tổng số tiền gần 170 tỷ đồng.

Một số đơn vị, doanh nghiệp nợ với số tiền lớn và kéo dài trên 6 tháng như: Công ty CP thương mại Tràng An (nợ 57 tháng với tổng số tiền trên 600 triệu đồng); Công ty CP gạch ngói Sông Chanh (nợ 50 tháng với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng); Công ty TNHH Dương Giang (nợ 56 tháng với tổng số tiền trên 6,3 tỷ đồng)...

Thúc 2.000 đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động - 1

Nhiều người lao động đến Trung tâm dịch vụ việc làm Ninh Bình tìm kiếm cơ hội việc làm mới sau khi thất nghiệp vì Covid-19.

Trong số những doanh nghiệp nợ đóng BHXH như trên, nhiều công ty đã bị cơ quan của BHXH tỉnh Ninh Bình thanh tra, kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên, đến nay tình hình chậm đóng, nợ đọng BHXH tại các đơn vị này vẫn tiếp tục xảy ra gây nhiều khó khăn cho việc giải quyết các chế độ, quyền lợi cho người lao động.

Theo đại diện BHXH Ninh Bình, việc các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH cho người lao động kéo theo nhiều hệ lụy Nhiều lao động khi ốm đau, thai sản hoặc nghỉ việc, chuyển chỗ làm… cơ quan BHXH không có căn cứ để giải quyết các chế độ cũng như chốt sổ bảo hiểm cho người lao động.

Đơn cử trong số các doanh nghiệp nợ tiền BHXH là Công ty CP Tổng công ty giống cây trồng con nuôi Ninh Bình. Năm 2019, công ty này bị xử phạt 170 triệu đồng vì chậm thực hiện việc đóng các loại BHXH cho 51 lao động với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty vẫn tiếp tục nợ 42 tháng tiền BHXH với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng.

Thúc 2.000 đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động - 2

Nhiều lao động bị chủ doanh nghiệp trốn đóng, nợ BHXH trong thời gian dài đã kéo đến cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình "cầu cứu" trong năm 2020.

Công đoàn "thúc" doanh nghiệp đóng BHXH

Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp nợ tiền BHXH của người lao động, Liên đoàn lao động tỉnh Ninh Bình đã có văn bản yêu cầu Liên đoàn lao động các huyện, thành phố, công đoàn ngành trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các công đoàn cơ sở doanh nghiệp tham mưu, đề xuất chủ doanh nghiệp chấp hành nghiêm Luật BHXH, thanh toán đủ số tiền nợ BHXH của người lao động cho cơ quan BHXH trước ngày 30/6.

Theo ông Trần Kim Long, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình, đến ngày 31/5, trên địa bàn tỉnh có 14 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đang nợ tiền BHXH của người lao động từ 6 tháng trở lên, với tổng số tiền trên 17 tỉ đồng.

Cũng theo sự tìm hiểu của LĐLĐ tỉnh, trên thực tế ngoài việc các doanh nghiệp cố tình không đóng tiền BHXH cho người lao động thì bản thân những người lao động cũng không nắm bắt được việc doanh nghiệp đã đóng đủ số tiền BHXH hằng tháng.

Thúc 2.000 đơn vị, doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động - 3

Do dịch Covid-19 nên từ đầu năm đến nay các phiên giao dịch việc làm tại Ninh Bình không thể tổ chức, nhiều lao động thất nghiệp phải tìm kiếm việc làm, phỏng vấn qua mạng.

"Hầu hết, khi người lao động đi giải quyết chế độ thì mới vỡ lẽ là chủ doanh nghiệp nhiều tháng liền không đóng BHXH. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tổ chức Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cần sát sao, thường xuyên theo dõi, đôn đốc chủ doanh nghiệp đóng BHXH đầy đủ cho công nhân", Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Ninh Bình nói.

Ông Long lấy ví dụ điển hình, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã từng có những doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn, sau đó doanh nghiệp này phá sản và bán lại công ty cho chủ khác dẫn đến việc giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động gặp rất nhiều khó khăn.

"Khi công ty phá sản, người lao động nghỉ việc đi xin việc nơi khác nhưng lại không chốt được sổ BHXH. Đặc biệt là đối với những công ty, doanh nghiệp mà chủ là người nước ngoài, khi công ty phá sản, dừng hoạt động thì chủ bỏ về nước không liên lạc được nên rất khó cho việc xử lý" - ông Long nói.