Thủ tục chốt sổ BHXH để chờ đến ngày nghỉ hưu
(Dân trí) - Ông Cường mới 52 tuổi nhưng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) gần 29 năm. Hiện ông muốn nghỉ việc, chốt sổ BHXH để chờ đến khi đủ tuổi về hưu hưởng chế độ hưu trí.
Ông Cường sinh tháng 11/1972, đang làm việc tại một trung tâm y tế cấp huyện. Tính đến tháng 5/2024, thời gian công tác của ông là 29 năm 4 tháng và đã đóng BHXH được 28 năm 8 tháng.
Hiện ông Cường mới 52 tuổi, còn khoảng 10 năm nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên, ông muốn nghỉ việc, chốt sổ để chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu hưởng chế độ hưu trí.
Ông Cường hỏi: "Thủ tục, trình tự thực hiện chốt sổ chờ nghỉ hưu gồm những bước như thế nào và tôi sẽ được hưởng những khoản gì?".
Theo BHXH Việt Nam, Khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau: "Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật".
Vì vậy, khi nghỉ việc hoặc thôi việc, người lao động muốn xác nhận thời gian đóng BHXH (chốt sổ BHXH) để chờ đủ tuổi nghỉ hưu thì người lao động chỉ cần kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS) nộp cho đơn vị đang làm việc và đề nghị làm thủ tục báo giảm lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH và trả sổ BHXH.
Theo BHXH Việt Nam, việc xác nhận thời gian đóng BHXH là thực hiện ghi, xác nhận quá trình tham gia đóng BHXH của người lao động mà đơn vị đã thực hiện trích từ tiền lương nộp cho cơ quan BHXH.
Do vậy, xác nhận sổ BHXH là thủ tục riêng, không phải là thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHXH.
Khi đủ tuổi nghỉ hưu, người lao động làm thủ tục giải quyết hưởng chế độ BHXH thì cơ quan BHXH sẽ ghi chi tiết các khoản người lao động được hưởng trên quyết định hưởng hưu trí hằng tháng.
Thủ tục để nhận lương hưu cho người lao động bảo lưu thời gian tham gia BHXH được quy định tại Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 của BHXH Việt Nam.
Trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm người lao động được hưởng lương hưu, người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện hoặc BHXH cấp tỉnh nơi cư trú để làm thủ tục nhận lương hưu. Hồ sơ bao gồm bản chính sổ BHXH và đơn đề nghị.
Trong trường hợp người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH mà qua đời thì thân nhân của họ cũng sẽ được hưởng hai khoản tiền là trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất (trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần).
Cụ thể, người lo mai táng cho người lao động qua đời (đã đóng BHXH đủ 12 tháng) được hưởng một lần trợ cấp mai táng, mức hưởng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đó chết.
Ngoài ra, trong trường hợp người lao động qua đời khi đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên và chưa hưởng BHXH một lần, thân nhân của họ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng mà mỗi thân nhân được nhận bằng 50% mức lương cơ sở. Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.
Thân nhân của người lao động không thuộc diện được nhận trợ cấp tuất hằng tháng, hoặc thuộc diện như trên nhưng không muốn hưởng trợ cấp hằng tháng thì có thể lựa chọn nhận trợ cấp tuất một lần (ngoại trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ/chồng của người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên).
Mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm mà người lao động đã đóng BHXH giống như mức hưởng khi rút BHXH một lần.
Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.