Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đánh giá những "điểm sáng" an sinh tại địa phương
(Dân trí) - "Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và trẻ em có thể nói là điểm sáng trong đảm bảo an sinh của tỉnh Bạc Liêu. Tỉnh cần tiếp tục đẩy nhanh thực hiện hỗ trợ đối với số đã được phê duyệt".
Chiều 1/11, đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP.
9/12 chính sách đã được thực hiện
Báo cáo với đoàn công tác, bà Lê Thanh Giang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, cho biết trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, tỉnh đã chi hỗ trợ các chính sách cho trên 164.000 người, với số tiền trên 218 tỷ đồng.
Trong đó, chi hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tích cực nhất là người lao động tự do. Hiện chỉ có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là chưa phát sinh hồ sơ.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã hỗ trợ gạo và các chính sách an sinh xã hội khác, trong đó cấp phát gần 637 tấn gạo và chi hỗ trợ trên 18.300 hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền trên 7,3 tỷ đồng.
"Cho đến nay chưa phát hiện có sự lợi dụng trục lợi chính sách, đa số đối tượng thụ hưởng đồng tình, đánh giá cao chính sách nhân văn này", bà Giang nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, có 3 chính sách chưa có số liệu phát sinh là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong việc thực hiện các chính sách này, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như triển khai trong điều kiện áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, vừa phải phòng chống dịch vừa rà soát các nhóm đối tượng, nhất là lao động tự do số lượng rất lớn, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ.
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ xem xét bổ sung nguồn kinh phí để hỗ trợ người lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác vì các nhóm đối tượng này chiếm khá lớn, trong khi ngân sách địa phương không đảm bảo; kiến nghị tiếp tục hỗ trợ tỉnh 1.000 tấn gạo để kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động an tâm vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Nhiều thành viên trong đoàn công tác đã có ý kiến băn khoăn khi tỉnh Bạc Liêu đã làm rất tốt chính sách hỗ trợ người lao động tự do. Tuy nhiên, các đối tượng chính trong Nghị quyết 68 và Quyết định 23 thì lại thực hiện thấp như chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo kỹ năng nghề, chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, hỗ trợ trẻ em đang điều trị Covid-19 và cách ly y tế...
Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM, cho biết tỉnh hỗ trợ số đối tượng thực sự thụ hưởng chính của Nghị quyết 68 là rất thấp, đến nay chỉ hơn 700 người.
Trong khi đó, tỉnh đã tập trung rất tốt hỗ trợ đối tượng lao động tự do. "Tính quy mô dân số từ 1,2 triệu trở xuống ở các tỉnh phía Nam thì nhiều tỉnh đối tượng này chỉ từ 7,5-8,5%, nhưng Bạc Liêu rất mạnh dạn đảm bảo an sinh xã hội khi xem xét hỗ trợ đến hơn 17% dân số", ông Thắng nói.
Theo ông Phạm Anh Thắng, Bạc Liêu là một trong những địa phương thực hiện rất tốt chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và trẻ em, trong tổng số kinh phí thực hiện hỗ trợ lao động tự do thì có hơn 17 tỷ đồng hỗ trợ nhóm đối tượng này.
"Qua đó cho thấy trong thực hiện giãn cách xã hội vừa rồi, địa phương nào thực hiện chi trả tốt cho nhóm đối tượng lao động tự do và đặc thù khác của tỉnh thì đảm bảo tốt vấn đề an sinh. Bởi vì trong điều kiện giãn cách xã hội chúng ta chưa thực hiện ngay việc hoàn tất thủ tục hồ sơ cho nhóm đối tượng chính thì đẩy nhóm này lên, đảm bảo an dân thì mới đảm bảo công tác phòng chống dịch", ông Thắng chia sẻ.
"Giải bày" thêm với đoàn công tác, ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết tình hình dịch trên địa bàn tỉnh hiện rất phức tạp, với nhiều ca F0 trong cộng đồng. Từ ngày 1/10 đến nay đã có khoảng 26.000 người về địa phương, mỗi ngày hiện vẫn về 300-400 người. Tỉnh hầu như lo hết cho người dân.
Khó khăn nhất của Bạc Liêu là sử dụng ngân sách chi cho Nghị quyết 68 và công tác phòng chống dịch. Tỉnh đã triển khai kỹ lưỡng, tránh sai sót, tiêu cực, bỏ sót đối tượng, rất cố gắng để có kết quả như hiện nay.
"Tỉnh tiếp thu những góp ý của đoàn công tác. Với những vấn đề mà Trung ương nhìn thấy chỉ ra cái nào sai thì sửa, thiếu thì bổ sung, chưa làm thì tiếp tục làm. Cái nào dân chưa hiểu thì tuyên truyền, để làm sao hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kịp thời nhất", Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu nói.
Không để ai bị "thiếu ăn, đứt bữa", bỏ lại phía sau
Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, nhận định tỉnh đã thực hiện 9/12 chính sách một cách đồng bộ. Tuy nhiên, nhìn chung kết quả đạt thấp, nhất là đối với các chính sách trọng tâm của Nghị quyết 68, Quyết định 23.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá, đối với chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và trẻ em, tỉnh đã thực hiện tốt, rà soát, thống kê đầy đủ, có chính sách mới để hỗ trợ thêm cho các đối tượng này. Đối với chính sách hỗ trợ lao động tự do và các đối tượng đặc thù, tỉnh đã đẩy nhanh rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ đạt hiệu quả cao đã góp phần vào công tác đảm bảo an sinh xã hội.
"Có thể nói, đến nay tỉnh đã hỗ trợ cho đối tượng đặc thù với 572 người là phụ nữ mang thai và 16.899 trẻ em với tổng số tiền là 17,4 tỷ đồng là một điểm sáng trong thực hiện chính sách đảm bảo an sinh của tỉnh trong thời gian qua", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ghi nhận.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đề nghị tỉnh Bạc Liêu tiếp tục rà soát đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bao gồm các đối tượng đặc thù của địa phương để đảm bảo không ai "bị thiếu ăn, đứt bữa", không ai bị bỏ lại phía sau.
Đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong khu vực chính thức và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đối với số hồ sơ đã được phê duyệt, cần thực hiện ngay việc hỗ trợ để người lao động không phải chờ đợi thêm.
"Với chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ mang thai và trẻ em, lao động tự do, đối tượng đặc thù trong thời gian qua đã thực hiện tốt thì cần hỗ trợ kịp thời cho số còn lại đã được phê duyệt để đảm bảo công bằng trong thụ hưởng chính sách, tránh gây so bì, bức xúc trong nhân dân", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan yêu cầu.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu tăng cường công tác tuyên truyền, khẩn trương đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ trong phạm vi nhiệm vụ, trọng tâm là việc triển khai thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ.
Còn đối với 3 chính sách chưa phát sinh hồ sơ và kinh phí, đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo để rà soát thực hiện. Tỉnh cũng phải rà soát kỹ đối tượng hỗ trợ gạo, tuyệt đối không để người dân nào thiếu đói, thiếu ăn.
"Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp để giám sát việc triển khai thực hiện, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan yêu cầu rõ.
Với những kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác ghi nhận và có ý kiến với cơ quan liên quan để có những hỗ trợ kịp thời cho tỉnh.