1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

TPHCM:

Thu nhập 20 triệu đồng/tháng vẫn khó "với" tới nhà ở xã hội

Xuân Trường

(Dân trí) - Thu nhập của 2 vợ chồng anh Lý gần 20 triệu đồng/tháng nhưng cặp đôi vẫn không dám "mơ" mua được nhà ở xã hội tại TPHCM, dù có "thắt lưng buộc bụng".

Theo đuổi việc mua nhà ngày càng khó

Rời quê Quảng Bình vào TPHCM học tập và lập nghiệp đã hơn 10 năm nhưng hiện tại anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) vẫn phải thuê phòng trọ với giá gần 3 triệu đồng/tháng để ở, chưa có khả năng mua nhà hay căn hộ.

Anh Dũng kể: "Năm ngoái, tôi có dự định kết hôn, nhưng chưa có nhà nên vẫn còn chần chừ".

Thu nhập 20 triệu đồng/tháng vẫn khó với tới nhà ở xã hội - 1

Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp là bài toán nan giải nhiều năm nay (Ảnh: Xuân Trường).

Để có cơ hội mua được nhà ở xã hội, anh Dũng đã làm hồ sơ nhưng thủ tục không chỉ có việc xác định đối tượng mà để vay vốn, chứng minh thu nhập, phương thức trả góp... đều khó, khiến anh mất nhiều thời gian, công sức vẫn không xong, đành bỏ cuộc.

Cũng cảnh "tha phương cầu thực", vợ chồng anh Nguyễn Văn Lý, quê Quảng Nam, cũng chưa dám mơ mua nhà tại TPHCM, dù thu nhập của 2 vợ chồng gần 20 triệu đồng/tháng.

Anh Lý chia sẻ, vào thành phố hơn 5 năm nay, vợ chồng anh chấp nhận thuê căn phòng trọ giá rẻ ở vùng ven thành phố để tiết kiệm tiền sau này mua nhà.

Hai vợ chồng đều mong có một căn nhà nhỏ để gia đình sinh sống nhưng chi phí tại thành thị quá đắt đỏ nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Thu nhập 20 triệu đồng/tháng vẫn khó với tới nhà ở xã hội - 2

Những gia đình 3, 4 người sống trong phòng trọ diện tích chưa đầy 10m2 là hình ảnh rất phổ biến tại TPHCM (Ảnh: Xuân Trường).

"Cầm trong tay cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng đi tìm những dự án chung cư giá rẻ nhưng vợ chồng tôi săn lùng cả năm nay cũng không được. 2-3 năm nữa vẫn không mua được nhà thì vợ chồng tôi đưa các con về quê sống", anh Lý dự định.

Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) chia sẻ đã sinh sống và làm việc tại thành phố 22 năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn thật khó khăn. Tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống hiện tại. Dự tính mỗi lúc càng bất khả thi vì giá nhà tăng chóng mặt không khác giá vàng, mỗi năm lại thiết lập mặt bằng mới cao hơn so với trước, chắt bóp, tiết kiệm cũng không lại.

Theo đuổi việc tìm hiểu để mua nhà thời gian qua, anh Nhân hiểu là càng ngày càng khó.

Theo anh Nhân, nguồn cung của nhà ở xã hội rất ít so với nhà ở thương mại. Trong khi đó, thông tin tiếp cận đến nhà ở xã hội rất hạn chế.

"Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp. Nhưng mong muốn này khó thành hiện thực do giá nhà quá cao, vượt xa tầm với", anh nói.

Câu chuyện của vợ chồng anh Lý, anh Dũng hay anh Nhân chỉ là số ít trong hàng triệu công nhân, người lao động lựa chọn bám trụ tại TPHCM. 

Hàng triệu m2 sàn, hàng chục ngàn căn hộ giá rẻ bao giờ có?

Đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua mới đây có nhiều nội dung ưu việt về phát triển nhà ở xã hội.

Đơn cử, Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định "điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội" đã bãi bỏ "điều kiện cư trú" hoặc giao cho Chính phủ quy định "điều kiện về thu nhập" đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội; hoặc quy định "đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập".

Thu nhập 20 triệu đồng/tháng vẫn khó với tới nhà ở xã hội - 3

Giai đoạn 2021-2025, TPHCM phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với khoảng 35.000 căn nhà (Ảnh: Xuân Trường).

Trong cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình hồi đầu năm 2024, ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, nhu cầu về nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp tại TPHCM là rất lớn.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng nhìn nhận, hiện nay các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục liên quan khác...

Bên cạnh đó, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, kéo dài, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực hiện được.

Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung hoàn tất thủ tục pháp lý đối với 37 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 35.000 căn, đảm bảo các điều kiện để triển khai thi công xây dựng.

NOXH_Xuan-Truong

Dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê ở TP Thủ Đức gồm 4 block với 1.040 căn hộ đang được thi công (Ảnh: Xuân Trường).

Cũng theo ông Tùng, trong thời gian tới TPHCM sẽ ban hành quy trình, giải pháp cụ thể nhằm rút ngắn thủ tục hành chính trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo quy định.

Đồng thời, cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản tham gia và triển khai đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Được biết, Sở Xây dựng TPHCM đang tập trung các thủ tục pháp lý để đẩy nhanh thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021- 2025, với chỉ tiêu dự kiến phát triển thêm khoảng 2,5 triệu m2 sàn xây dựng (tương đương khoảng 35.000 căn hộ). 

Theo Sở Xây dựng, hiện đã có danh sách cụ thể 37 dự án. Hiện nay, mới 1 dự án đã hoàn thành. Trong số 36 dự án còn lại, 6 dự án đang thi công, 30 dự án đang thực hiện các thủ tục pháp lý với 34.750 căn.