Thu hồi hơn 37 tỷ đồng chi trả bảo hiểm sai quy định
(Dân trí) - Ngành Bảo hiểm xã hội yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền chi các chế độ không đúng quy định.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị. Qua đó, số tiền các đơn vị đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng trong thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp là 425,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngành Bảo hiểm xã hội đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt 15 tỷ đồng.
Đơn vị này cũng yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội. Trong đó, một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương đã làm tốt công tác rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội từ năm 2016-2022, đơn vị đã thanh tra 850 doanh nghiệp. Qua đó, yêu cầu doanh nghiệp nộp quỹ Bảo hiểm xã hội với số tiền chậm nộp hơn 58 tỷ đồng (số nợ là 116 tỷ đồng). Như vậy, hàng nghìn lao động đã được đảm bảo quyền lợi.
Chánh thanh tra Sở đã xử phạt 12 đơn vị với số tiền hơn 610 triệu đồng và chuyển hồ sơ trình Chủ tịch UBND thành phố xử phạt về hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của 12 đơn vị.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thanh tra đã xử phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong 2 năm, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, đặc biệt doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ, nhà hàng, giáo dục. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất dẫn đến việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội còn hạn chế.
Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động chưa đủ số người theo quy định. Hơn nữa, mức lương đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng chỉ bằng mức lương tối thiểu vùng.
Một số đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài, dù đã đôn đốc nhưng chưa có biện pháp khắc phục ảnh hưởng quyền lợi của người lao động.
Trong 6 tháng cuối năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu toàn ngành tăng cường các giải pháp thu, giảm nợ, thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm...
Thời gian tới cần có sự phối hợp, thống nhất cao hơn nữa giữa hai ngành Bảo hiểm xã hội và công an trong việc xử lý, xét xử các hành vi trục lợi; có quy định, chế tài xử lý mạnh để chấm dứt tình trạng nêu trên...
Ngoài ra, trong thời gian còn lại của năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tiễn triển khai.