1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thấy nước mắt mẹ, gã giang hồ gác kiếm sau 30 năm "tắm máu"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từng là giang hồ cầm đầu băng cướp, đòi nợ thuê "khét" tiếng ở trung tâm TPHCM, nay anh Tú đã "gác kiếm", tập trung kiếm tiền lo cho gia đình, dành nhiều tâm sức làm thiện nguyện.

Trước cổng trường tiểu học, một người đàn ông với chi chít hình xăm khắp cơ thể ngồi trên xe máy sát giờ tan học. Những phụ huynh đứng chờ con xung quanh không khỏi ngại ngùng, dè chừng, quay sang len lén nhìn người đàn ông dữ tướng.

Tiếng trống tan trường vang lên, đám trẻ ùa ra cổng tìm ba mẹ. Một cô bé nhảy cẫng, reo "ba", rồi ùa vào lòng người đàn ông xăm trổ ấy.

Người được gọi "ba" đó là anh Trương Quang Anh Tú (46 tuổi, ngụ tại quận 1, TPHCM). Đó từng là một trong những tay "giang hồ khét tiếng" ở trung tâm TPHCM hơn chục năm trước.

Người dẫn dắt băng cướp, bảo kê đầy bạo lực năm nào giờ đây rửa "bàn tay đẫm máu", tập trung cho việc chăm sóc gia đình, làm thiện nguyện, giúp đỡ xã hội.

Thấy nước mắt mẹ, gã giang hồ gác kiếm sau 30 năm tắm máu - 1

Vốn là tay giang hồ có tiếng ở TPHCM, anh Tú nay hoàn lương, thành một thợ xăm thích làm thiện nguyện (Ảnh: Nguyễn Vy).

Cuộc sống trong máu, khói trắng và bùn lầy 

"Chém hết chúng nó cho tao!", Tú "kho đạn" hét lớn, xung quanh là các thanh niên với khuôn mặt bặm trợn, cầm hung khí sẵn sàng lao vào thanh toán lẫn nhau.

Đêm đẫm máu năm 1999 đó, Tú hả hê cùng các đàn em chí cốt "xử" xong những tay giang hồ trong nhóm vì tội giành địa bàn làm ăn.

Không lâu sau, Tú xộ khám, ngồi tù.

"13 tuổi, tôi đã giao du với toàn "bạn bè xã hội", bỏ học, ăn chơi, đánh nhau, học xăm trổ cho đàn anh… đó là những cách mà tôi từng làm để trở thành đàn anh của băng nhóm giang hồ.

Bước chân vào thế giới này rồi, cuộc đời tôi là chuỗi ngày dài chìm trong những cuộc chiến, những cơn phê chất gây nghiện đến không còn biết mình là ai", Tú nhớ lại.

Thấy nước mắt mẹ, gã giang hồ gác kiếm sau 30 năm tắm máu - 2

Nhắc lại quá khứ tăm tối, đến giờ anh Tú vẫn day dứt, ân hận (Ảnh: Nguyễn Vy).

12 tháng sống sau song sắt, Tú "kho đạn" vẫn chưa biết sợ. Ngày mãn hạn tù, gã giang hồ tiếp tục tập hợp đàn em, đi đòi nợ thuê để kiếm tiền phê pha.

Mẹ của Tú, một giáo viên thất bại trong hôn nhân, phải gánh vác, làm thêm đủ công việc để nuôi 5 anh em Tú. Thấy con trai rơi vào cảnh nghiện ngập, tệ nạn, tương lai u tối, bà khóc hết nước mắt cầu xin con quay về, chạy đôn chạy đáo để đóng tiền cho "nghịch tử" đi cai nghiện.

Nhưng mọi nỗ lực của người mẹ dường như bằng không. "Thời đó, tôi không quan tâm đến mẹ. Trở về nhà, tôi luôn khoái chí kể về những "chiến tích" giang hồ của mình. Mẹ tôi cầu xin, khóc lóc đã quá nhiều đến mức không nói được gì nữa", Tú kể.

Thấy nước mắt mẹ, gã giang hồ gác kiếm sau 30 năm tắm máu - 3

Anh Tú thay đổi nhờ những giọt nước mắt của mẹ (Ảnh: NVCC).

Anh bộc bạch, cái tên Anh Tú là do mẹ đặt cho. Bà từng mong con trai sẽ trở thành người thành đạt, anh minh, tuấn tú. Nhưng tuổi trẻ của anh đã khiến mẹ già phải khóc đến khi tóc đã bạc phơ. Bà chỉ biết cầu nguyện, hằng ngày đọc kinh Phật, cầu mong con trai tìm lại được đường ngay nẻo chính, làm lại cuộc đời.

Nước mắt mẹ già khơi dòng nước mắt "nghịch tử" 

Một ngày trong năm 2005, Tú vẫn trở về nhà như sau bao trận chiến "thừa sống thiếu chết" khác. Bước vào nhà, Tú nghe tiếng tụng kinh niệm Phật của mẹ.

Lần này, bỗng nhiên cậu con trai "nghịch tử" khựng lại, chậm rãi quan sát mẹ. Hôm ấy, Tú thấy tóc mẹ đã bạc gần hết, nếp nhăn đã xếp chồng, hẳn sâu trên mặt, đôi mắt bà sưng húp vì ngày nào cũng khóc.

"Tôi chợt tỉnh. Tôi nhận ra mẹ đã hi sinh bao nhiêu cho tôi, còn tôi chỉ mang lại đau khổ, dằn vặt, nước mắt cho mẹ. Tôi đứng lặng nhìn mẹ một lúc rồi lần đầu tiên nước mắt hối hận trào ra, khi đã gần 30 tuổi", anh Tú xúc động kể.

Đứng đó, bao năm tháng trôi qua mắt anh như thước phim hiển hiện trước mắt. Đó là ngày ở tù, chỉ có mẹ vào thăm nuôi anh, còn bao "anh em xã hội" từng thề non, hẹn biển thì không mang nổi cho "đại ca" một gói mì tôm.

"Tôi quỳ xuống cạnh mẹ, chắp tay cúi lạy trước ban thờ Phật, tâm nguyện thay đổi cuộc đời. Nhưng hành trình thay đổi của kẻ nghiện ma túy không hề dễ dàng", anh Tú chia sẻ.

21 ngày liên tục, Tú uống bia, rượu để có thể ngủ cho quên cơn thèm thuốc. Rồi đến khi phải uống cả thuốc ngủ cũng vật vã, tưởng chừng không thể chịu nổi. Những tưởng đã không qua được nhưng đến ngày thứ 22, Tú có thể cắt cơn.

Thấy nước mắt mẹ, gã giang hồ gác kiếm sau 30 năm tắm máu - 4

Nhiều năm qua, dịp giáng sinh, tết... anh Tú đã dành thời gian tham gia, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: NVCC).

Thấy nghề đòi nợ thuê có thể khiến mình quay về vũng bùn lầy, Tú ra ngay chợ Bình Tây (quận 6) mua dép, ngồi lề đường bán. Chỉ bán vài đôi dép, "gã anh chị" ăn chơi một thời nay chật vật kiếm hơn 100.000 đồng mỗi ngày. Có kinh nghiệm xăm hình, anh hành nghề, kiếm thêm vài ba chục nghìn nữa, đủ đắp đổi sinh hoạt.

"Tiền kiếm được ít hơn rất nhiều so với ngày xưa nhưng không hiểu sao tôi lại thấy hạnh phúc, nhẹ nhõm hơn", anh Tú nói.

Năm 2009, anh kết hôn và chào đón cô con gái đầu lòng. Sinh linh bé nhỏ ấy tiếp thêm sức mạnh để ông bố "đầu gấu" sống lại cuộc đời mới.

Rồi anh Tú quyết định thuê mặt bằng để mở tiệm xăm, nhận dạy miễn phí cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn. Một số người được anh hướng dẫn cũng từng có quá khứ đen tối, nhưng giờ đã có công việc ổn định, tạo ra thu nhập, giúp đỡ người khác.

Tay nghề của Tú được nhiều người biết đến hơn. Anh cũng xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, hội nhóm về xăm nghệ thuật trong cũng như ngoài nước và từng tốt nghiệp loại giỏi ở khóa học mỹ thuật tại Hội Mỹ thuật TPHCM. Tiệm xăm của anh đều đặn đón 30-60 khách/tháng.

Có cuộc sống ổn định, Tú cùng những người bạn, học viên và gia đình tổ chức các buổi nấu, phát thức ăn và tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ.

Thấy nước mắt mẹ, gã giang hồ gác kiếm sau 30 năm tắm máu - 5

Anh Tú cùng học viên, bạn bè và gia đình nấu, phát thức ăn miễn phí cho những người khó khăn, cơ nhỡ (Ảnh: NVCC).

"Sự thay đổi là cả một quá trình. Tôi thấy mình khác xưa rất nhiều, chẳng hạn như va chạm trên đường, như ngày xưa là tôi sẽ nổi nóng, gây sự ngay nhưng bây giờ tôi chủ động nói lời xin lỗi", anh Tú cho hay.

Nam thợ xăm bộc bạch, bằng thay đổi của mình, anh muốn bù đắp phần nào những lầm lỡ trong quá khứ, cao hơn là mong bản thân và gia đình có cuộc sống nghĩa lý, tốt đẹp hơn.

Lén quẹt nước mắt, bà Lý Thị Ánh Tuyết (71 tuổi, ngụ quận 1, mẹ Tú) vẫn nghẹn lời khi kể lại khoảng thời gian đứa con trai chìm trong nghiện ngập.

"Tôi từng là một giáo viên, ai gặp cũng trân quý, cúi đầu chào. Nhưng rồi 2 trong 5 người con sa ngã, cứ thoáng thấy bóng công an, trong lòng tôi lại sợ hãi, lập tức quay đầu xe bỏ chạy. Từ bao giờ, tôi mang nỗi mặc cảm, sợ người ta sẽ lại mời tôi lên phường làm tường trình bảo lãnh con về", bà Tuyết nói.

Ngày ấy, người mẹ như bà Tuyết cứ ngỡ cuộc đời con đã chấm hết khi Tú vào tù. Ngoài việc khóc, van xin, bà bất lực không biết làm sao, chỉ có thể trấn an bản thân bằng cách đọc kinh, cầu nguyện để tìm chút giải thoát trong tâm tưởng.

Sau khoảng thời gian ấy, bà Tuyết bất ngờ khi con trai chịu thay đổi, làm lại cuộc đời.

"Là một người mẹ, ai mà không hạnh phúc khi con từ bỏ được cuộc sống giang hồ, muốn sống lương thiện. Tú không chỉ thay đổi hoàn toàn tính tình mà còn rất yêu thương vợ, con, chuyên tâm làm ăn, rồi con còn thường xuyên làm việc thiện nguyện. Được thế này, tôi nhẹ lòng hẳn", bà Tuyết bộc bạch.

Niềm vui sống trở lại khi nhìn các con đều đã có gia đình riêng, công việc ổn định, bà Tuyết giờ sống với con trai út, chỉ mong có thể yên bình an hưởng tuổi già.