Thấy gì từ con số nữ sinh "áp đảo" nhiều ngành học kỹ thuật?
(Dân trí) - Lần đầu tiên trong lịch sử, Trường ĐH Bách khoa TPHCM có hơn 1.000 nữ trúng tuyển vào trường, nhiều ngành kỹ thuật, nữ sinh chiếm tỷ lệ gần 80%...
Thông tin được chia sẻ tại lễ khai giảng năm học 2022-2023 của trường Đại học Bách khoa TPHCM.
Trong lịch sử 65 năm thành lập của ngôi trường truyền thống kỹ thuật này, đây là lần đầu tiên có hơn 1.000 sinh viên nữ trong tổng số hơn 4.800 tân sinh viên nhập học (chiếm gần 22%).
Trong đó, ngành có tỷ lệ nữ cao nhất là Kỹ thuật Dệt, Công nghệ may với gần 77%, kế tiếp là ngành Quản lý công nghiệp với gần 74%.
Trong 3 tân sinh viên xuất sắc nhất của trường, có một nữ sinh là em Trần Như Mai Anh.
GS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, 100% tân sinh viên chương trình tiếng Anh đều đạt mức ngoại ngữ sơ tuyển tối thiểu, nhiều tân sinh viên đã có trình độ tiếng Anh đạt IELTS 7.0 trở lên. Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên có thể học tập và sinh hoạt trong môi trường quốc tế.
Ông nhắn nhủ các tân sinh viên cần trau dồi trí - lực; nâng cao khả năng ngoại ngữ để trở thành kỹ sư toàn cầu'; trau dồi các kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, đàm phán và tranh luận.
Đồng thời, ông khuyến khích, sinh viên hãy hướng đến lối sống đẹp, đề cao sự tử tế, lòng biết ơn, biết nghĩ cho gia đình, tập thể, tích cực trong hoạt động xã hội.
Theo điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006, bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Con số hơn 1.000 sinh viên nữ theo học tại một trường kỹ thuật hàng đầu cả nước khẳng định năng lực của nữ sinh và cũng là tín hiệu cho thấy cơ hội trong tiếp cận học tập, ngành nghề của nữ giới ngày càng mở rộng.
Nhiều năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng đều có chính sách hỗ trợ, ưu tiên nhất định để khuyến khích sinh viên nữ theo ngành kỹ thuật. Nhưng thực tế số lượng sinh viên nữ theo đuổi lĩnh vực này còn rất hạn chế.
Từ lâu, đã có sự tồn tại bất bình đẳng giữa nam và nữ trong cơ hội tiếp cận học tập và công việc. Xuất phát từ quan niệm và định kiến về công việc của nữ giới còn hạn hẹp trở thành rào cản với nhiều bạn nữ trong tiếp cận công việc về kỹ thuật, khoa học.
Ngay trong sách giáo khoa lâu nay, phái nữ cũng gắn liền với hình ảnh bà nội trợ, với chợ búa, rau củ, bị hạn chế công việc, ngành nghề.
Nữ giới cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm, tiền lương thấp hơn nam giới trong khi họ nặng gánh công việc gia đình, nuôi dạy con...