1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế ở vùng cao xứ Thanh

Thanh Tùng

(Dân trí) - Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã có những đổi thay rõ rệt.

Theo báo cáo từ UBND huyện Quan Sơn, năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 1.600 tỷ đồng (tăng 2,5% so với năm 2022). Trong đó, sản xuất ngành Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản chiếm 37,69%; Công nghiệp - Xây dựng chiếm 19,77%; Dịch vụ chiếm 42,54%.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường, giáo dục, an sinh xã hội được tăng cường, đảm bảo các tiêu chí đề ra.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế ở vùng cao xứ Thanh - 1

Một góc thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: Kim Chung).

Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, chuyển đổi số có chuyển biến tích cực; chính sách, an sinh xã hội được thực hiện đảm bảo, kịp thời; quốc phòng - an ninh được giữ vững trên toàn huyện, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quan hệ hợp tác đối ngoại ngày càng được tăng cường, bền chặt.

Trong tổng số 25 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023, huyện Quan Sơn có 12 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 9 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Để đạt được những thành tựu nêu trên, năm 2023, chính quyền huyện Quan Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành cấp tỉnh trong việc thực hiện các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội,… các cấp, ban, ngành trên địa bàn huyện Quan Sơn đã tập trung hướng dẫn các địa phương tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền đến người dân trên địa bàn.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế ở vùng cao xứ Thanh - 2

Một góc bản làng người Mông ở huyện Quan Sơn được đầu tư đường giao thông kiên cố (Ảnh: Hoàng Dương).

Địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc truyền thông cộng đồng. Các cấp từ thôn đến bản, xã, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", xóa bỏ các tập tục lạc hậu…

Đồng thời, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông; kiểm tra tình hình đời sống của người dân ở 3 bản Mông (Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi). Chỉ đạo phối hợp với các ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiệu quả, đúng quy định.

Thời gian tới, huyện Quan Sơn xác định tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân duy trì, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng lấy lâm nghiệp, chăn nuôi, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là thế mạnh, khơi dậy và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với thu hút nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội và các chính sách an sinh, đảm bảo sự hài hòa phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.