1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Thâm hụt 52 triệu việc làm trên toàn cầu trong năm 2022?

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Kết quả khảo sát của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm 2022 so với quý 4/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian.

ILO vừa công bố báo cáo xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới năm 2022, qua đó cảnh báo về tốc độ phục hồi chậm và không chắc chắn do đại dịch sẽ tiếp tục tác động đáng kể đến thị trường lao động toàn cầu.

Vật lộn khi đại dịch tiếp diễn

Theo ILO, đại dịch Covid-19 đã thống trị nền kinh tế toàn cầu gần 3 năm, ngăn cản thị trường lao động phục hồi toàn diện và cân bằng. Tốc độ phục hồi hoạt động kinh tế và việc làm phụ thuộc nhiều vào mức độ kiềm chế sự lây lan của virus. Do đó, sự phục hồi diễn ra theo các mô hình khác nhau giữa các khu vực địa lý và các lĩnh vực.

Trên cơ sở dự báo tăng trưởng kinh tế mới nhất và điều chỉnh theo mức tăng trưởng dân số, ILO dự báo tổng số giờ làm việc trên toàn cầu vào năm 2022 vẫn thấp hơn gần 2% so với mức trước đại dịch, tương ứng với mức thâm hụt 52 triệu việc làm toàn thời gian (giả định một tuần làm việc 48 giờ).

Thâm hụt 52 triệu việc làm trên toàn cầu trong năm 2022? - 1

Tại Việt Nam, lao động thất nghiệp do Covid-19 hồi hương về quê.

Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ duy trì ở mức 207 triệu người vào năm 2022, cao hơn mức thất nghiệp năm 2019 khoảng 21 triệu người.

Triển vọng này cho thấy dự báo về khả năng phục hồi đã hạ đáng kể so với số liệu dự báo được đưa ra trong ấn bản tháng 6/2021 của ILO, theo đó: Số giờ làm việc bị mất so với quý 4/2019 được dự báo sẽ thu hẹp xuống còn chưa đến 1% vào năm 2022.

Nhìn chung, các chỉ số chính về thị trường lao động ở tất cả các khu vực - Châu Phi, Châu Mỹ, các quốc gia Ả rập, Châu Á Thái Bình Dương, Châu Âu và Trung Á vẫn chưa phục hồi lại như trước khi đại dịch xảy ra. 

Tới năm 2023, số liệu dự báo cho thấy khả năng phục hồi hoàn toàn ở các thị trường là chưa có được. Các khu vực châu Âu và Thái Bình Dương được dự báo sẽ tiến gần nhất đến mục tiêu đó, trong khi triển vọng của Mỹ Latin và Caribe và Đông Nam Á là thấp nhất.

Theo ILO, trong năm 2020, hơn 30 triệu người trưởng thành đã lâm vào cảnh nghèo cùng cực (sống với thu nhập chưa đến 1,9 đô la Mỹ/ngày theo sức mua tương đương) trong khi không có việc làm được trả công.

Phục hồi thiếu đồng đều và không hoàn chỉnh

Dự báo của ILO cho thấy, trong năm 2022, mức thâm hụt thời giờ làm việc ước tính tương đương với 52 triệu việc toàn làm thời gian do những gián đoạn thị trường lao động mà khủng hoảng gây nên.

Theo ILO, thị trường lao động phục hồi nhanh nhất ở các nước thu nhập cao. Ngược lại, kể từ khi đại dịch bùng phát, thị trường lao động của các nước có thu nhập trung bình thấp hơn phải đối diện với tình trạng tồi tệ nhất và phục hồi chậm nhất. 

Năm 2022, nhiều người trong nhóm lao động từng rời khỏi lực lượng lao động đã không quay trở lại. Do đó, mức thất nghiệp vẫn chưa thể hiện được đầy đủ tác động của khủng hoảng tới việc làm.

Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu được dự báo sẽ duy trì trên mức năm 2019 ít nhất cho đến năm 2023. Tổng số người thất nghiệp dự kiến sẽ giảm 7 triệu người vào năm 2022, xuống còn 207 triệu người, so với 186 triệu người năm 2019.

Sự phục hồi diễn ra không đồng đều ngay cả trong nội tại mỗi quốc gia. Tình trạng nữ giới phải chịu tác động nghiêm trọng hơn từ đại dịch về việc làm được dự báo sẽ thu hẹp ở cấp độ toàn cầu trong những năm tới, nhưng vẫn sẽ tồn tại một khoảng cách đáng kể.

Đồng thời, sự chênh lệch thể hiện rõ rệt nhất ở các nước có thu nhập trung bình cao hơn, theo đó, tỷ lệ việc làm trên dân số của nữ giới năm 2022 dự đoán sẽ thấp hơn so với năm 2019.

Tình trạng đóng cửa các trường học, trường cao đẳng và các cơ sở dạy nghề trong thời gian dài ở nhiều nước đã làm suy yếu kết quả học tập. Điều này còn kéo theo những tác động lâu dài đến việc làm và việc tiếp tục theo đuổi giáo dục và đào tạo của thanh niên. Đặc biệt là những người có trình độ hạn chế hoặc không có cơ hội học tập trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, người lao động tham gia việc làm phi chính thức được trả lương vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng 8%. Công việc tự làm và công việc đóng góp cho gia đình - thường đặc trưng bởi điều kiện làm việc không đảm bảo - trước khủng hoảng có xu hướng giảm nhiều so với trước đây. 

Lấy con người làm trung tâm của sự phục hồi

Trong năm 2021, gần 190 quốc gia thành viên của ILO đã thảo luận về các đáp ứng chính sách toàn cầu, khu vực và quốc gia để ứng phó khủng hoảng. Kết thúc các cuộc thảo luận, họ đã thông qua "Lời kêu gọi hành động toàn cầu vì một công cuộc phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 lấy con người làm trung tâm mang tính bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu", nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai một công cuộc phục hồi toàn diện trên cơ sở thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố Thế kỷ của ILO về tương lai việc làm.

Điều này thể hiện thông điệp cần tái thiết nền kinh tế theo cách giải quyết tình trạng bất bình đẳng mang tính hệ thống và cơ cấu cũng như những thách thức kinh tế và xã hội lâu dài khác, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, vốn đã tồn tại trước đại dịch. Điều kiện tiên quyết để đạt được khả năng chống chịu như vậy là hành động đa phương và đoàn kết toàn cầu - bao gồm cả việc tiếp cận vaccine, tái cơ cấu nợ và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi xanh…