Thạc sĩ khiếm thị: "Ngân hàng ngần ngại vì chữ ký của tôi mỗi lần một khác"
(Dân trí) - "Khi mở tài khoản tại ngân hàng, họ thường ngần ngại vì chữ ký của tôi khác nhau mỗi lần ký và yêu cầu phải có người bảo lãnh" - bà Đào Thu Hương chia sẻ.
Bà Đào Thu Hương là cán bộ Quyền của Người khuyết tật, thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam. Bà là người khiếm thị, đã có bằng Thạc sĩ Phát triển cộng đồng quốc tế tại Đại học Victoria (Úc).
Chia sẻ tại hội thảo trực tuyến "Thành phố tiếp cận với Người khuyết tật (NKT): Công cụ hỗ trợ và Dịch vụ thông tin" diễn ra ngày 20/1, bà Thu Hương cho biết, mình may mắn khi được hỗ trợ để đến Úc học thạc sĩ.
Theo bà, để có thể hoàn tất chương trình học, ngoài nỗ lực học tập của bản thân và sự hỗ trợ của Chính phủ Úc thì môi trường tiếp cận rất tốt tại các đô thị Úc đã giúp bà theo kịp giáo trình.
Chia sẻ trải nghiệm của mình tại các thành phố thông minh ở Úc, bà Thu Hương cảm nhận không hề có rào cản nào đối với một người khiếm thị phải di chuyển bằng gậy như bà.
Bà Thu Hương cho biết: "Việc đi du lịch với tôi ở Melbourne rất dễ dàng. Thậm chí, tôi từng hướng dẫn một nhóm không biết tiếng Anh đi tham quan thành phố này".
Chỉ với chiếc điện thoại cài ứng dụng chuyên biệt, bà Hương có thể đọc được mọi biển báo, hướng dẫn có ở các khu vực công cộng, ứng dụng sẽ hướng dẫn bằng âm thanh cho Hương di chuyển…
Bà chia sẻ: "Tôi chỉ việc nhập điểm đi, điểm đến, ứng dụng sẽ cho tôi kết quả các tuyến xe buýt, xe điện, tàu hỏa tôi cần. Ứng dụng này cũng thông báo chuyến xe sắp đến số bao nhiêu, còn bao lâu sẽ đến. Ở bến cuối, Google Map sẽ báo đường đi. Cứ đi bộ 30m, Google Map sẽ nói nên đi tiếp theo hướng nào".
Ở Việt Nam, bà Thu Hương phải dùng tiền mặt trong hầu hết các hoạt động chi tiêu vì các giao dịch ngân hàng với người khiếm thị rất khó khăn. Nhưng ở Úc, mọi dịch vụ ngân hàng đối với người khiếm thị như Thu Hương rất dễ dàng.
Bà chia sẻ: "Tôi có thể tự đứng tên và dùng tài khoản ngân hàng; mọi mua sắm đều có thể dùng thẻ. Tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì về chữ ký hay pháp lý khi mở tài khoản, ra ngân hàng giao dịch và thao tác trên ứng dụng của ngân hàng".
Còn ở Việt Nam, bà cho biết: "Khi mở tài khoản tại ngân hàng, họ thường ngần ngại vì chữ ký của tôi khác nhau mỗi lần ký và yêu cầu phải có người bảo lãnh, quy trình mở và dùng tài khoản chưa được số hóa để thuận tiện hơn cho mọi khách hàng".
Tuy nhiên, bà Thu Hương nhận định các đô thị ở Việt Nam đang có sự thay đổi tích cực trong việc xây dựng các dịch vụ tiếp cận cho NKT.
Bà lấy ví dụ ở tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Trong quá trình xây dựng công trình, bà Thu Hương đã được tham vấn ý kiến. Khi tàu vận hành, bà được trải nghiệm và nhận thấy người khiếm thị có thể tiếp cận dễ dàng.
"Tôi đã có trải nghiệm tuyệt vời với thang máy có chữ nổi, có thông báo bằng giọng nói, đường gờ nổi dẫn hướng chạy khắp nhà ga, máy soát vé tự động phát âm thanh khi nhận biết thẻ phúc lợi của tôi", bà Hương chia sẻ.
Theo bà Thu Hương, đây là cơ hội cho các đô thị lớn ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng xây dựng thành đô thị thông minh dành cho tất cả mọi người như ở Melbourne (Úc).
Bà cho rằng, đây là thời điểm vàng để tích hợp tính tiếp cận vào các công trình công cộng đang hình thành, triển khai xây dựng mới rầm rộ ở các đô thị lớn.
Chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực cũng là cơ hội để thiết lập ngay từ đầu các dịch vụ mà NKT có thể tiếp cận, đảm bảo cho mọi người dân đều có thể sử dụng.
Chia sẻ về việc tiếp cận khó khăn ở Việt Nam của bà Thu Hương được các diễn giả tham dự hội thảo đồng tình.
Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, cho biết: "Cứ 7 người trên thế giới thì có khoảng một người bị khuyết tật. Các quốc gia như Việt Nam và Australia đang có tuổi thọ ngày càng cao, chúng ta cũng sẽ thấy sự gia tăng các khuyết tật liên quan đến tuổi tác".
Do đó, bà Robyn Mudie cho rằng, thực tế này đòi hỏi các chính phủ phải ưu tiên cung cấp các dịch vụ chăm sóc, tiếp cận đầy đủ cho NKT ngay từ bây giờ.
Bà Lê Thị Nhật là người liệt 2 chi dưới nhưng cũng đã hoàn tất chương trình Thạc sĩ Nghiên cứu phát triển tại Đại học Melbourne (Úc), hiện đang là Quản lý dự án thuộc Chương trình Phục hồi chức năng vận động của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.
Theo bà, chính môi trường tiếp cận tốt đã giúp những NKT như bà hòa nhập tốt hơn, phát triển hết được năng lực bản thân, đạt được những thành tựu học vấn cao hơn.
Bà Nhật cho rằng: "Các dịch vụ như học tập, việc làm, đào tạo, vui chơi, thể thao, nghệ thuật… không nên phân biệt là dành cho hay không dành cho NKT, bởi vì NKT có nhu cầu như tất cả mọi người".