1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nỗ lực lo 3 chữ "an" cho người dân đón Tết

An Linh

(Dân trí) - Phát biểu tại phiên họp đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022 tại trụ sở Chính phủ hôm nay (3/2), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết toàn ngành đảm bảo 3 chữ "an" cho người dân đón Tết.

Cụ thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên gửi báo cáo cập nhật tình hình công tác lao động, việc làm và an sinh xã hội trước, trong và sau Tết. Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, toàn ngành đã cố gắng, nỗ lực để đảm bảo 3 chữ "an" cho người dân trước, trong và sau Tết Nhâm dần. 

Cụ thể, chữ an thứ nhất là bảo đảm an sinh cho người dân trong dịp Tết. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, tất cả các chính sách cần được thực hiện đúng, đủ, kịp thời và chu đáo đến tất cả các đối tượng. 

"Đặc biệt năm nay với sáng kiến, chỉ đạo, đề xuất của Ban Bí thư, tất cả các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các Ban, bộ, ngành đều đã đi thăm, tặng quà cho người dân, công nhân, người lao động gặp khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, tạo sự lan tỏa ấm áp toàn xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nỗ lực lo 3 chữ an cho người dân đón Tết - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định toàn ngành cố gắng, nỗ lực lo ba chữ an: An sinh, an dân và an toàn cho người dân trước, trong và sau Tết (Ảnh Quốc Chính).

Bên cạnh đó, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho biết công tác hỗ trợ gạo Tết đã đến kịp thời với người dân gặp khó khăn, người yếu thế. Đặc biệt là không có người lang thang trong dịp Tết tại các địa phương.

"Tôi cho rằng đây là điều đáng mừng. Bên cạnh đó, việc chăm lo cho các cháu trẻ em mồ côi trong đại dịch Covid-19 cũng được thực hiện chu đáo. Với lực lượng công nhân và người lao động, chúng ta đã chủ động chăm lo trước, trong và sau Tết Nguyên đán", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Chữ an thứ hai, theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH là an dân. Năm nay, dù khó khăn do dịch bệnh, nhưng không khí vui xuân đón Tết của người dân cả nước khá đầm ấm. 

Chữ an thứ ba là an toàn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo của Bộ trưởng Y tế đã cho biết cả nước không xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, đây là điều rất mừng. Tuy nhiên cần chú trọng trong những ngày nghỉ Tết còn lại và không để xảy ra hiện tượng đốt pháo nổ tràn lan, có thể xảy ra thương tích cho trẻ em.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị thực hiện 4 điều cần làm ngay và công bố trong những ngày đầu xuân: Thứ nhất là khẩn trương thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chính phủ đã ký Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022); thứ hai là việc khẩn trương cho học sinh đi học, vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị; thứ ba là mở cửa lại du lịch nhằm tránh ảnh hưởng những thiệt hại lớn đến kinh tế đầu tư và thứ tư là tập trung không để thiếu hụt lao động sau Tết, vì mọi năm đều xảy ra hiện tượng thiếu hụt lao động sau nghỉ Tết.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nỗ lực lo 3 chữ an cho người dân đón Tết - 2

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 3/2, tại Hà Nội (Ảnh Quốc Chính).

Trước đó, trong báo cáo tình hình chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách và người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 gửi Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 được tổ chức với phương châm "Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm".

Theo đó, tổng kinh phí chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 là 8.324 tỷ đồng với 57,81 triệu lượt đối tượng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2.277 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là 1.131 tỷ đồng; ngân sách cấp xã là 785 tỷ đồng; kinh phí xã hội hóa là 603 tỷ đồng; một số địa phương có mức chi lớn như Hà Nội (723 tỷ đồng); Thành phố Hồ Chí Minh (705 tỷ đồng)... 

Tổng kinh phí quà tặng cho các đối tượng người có công với cách mạng do Bộ LĐ-TB&XH bố trí trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là trên 875 triệu đồng. Một số địa phương cũng dành nguồn kinh phí lớn cho đối tượng người có công như: Thành phố Hồ Chí Minh (402 tỷ đồng); Hải Phòng (255 tỷ đồng); Hà Nội (175 tỷ đồng); Quảng Nam (90 tỷ đồng); Thái Bình (86 tỷ đồng); Tây Ninh (61 tỷ đồng); Hải Dương (60 tỷ đồng); Quảng Ninh (56 tỷ đồng); Vĩnh Phúc (55 tỷ đồng);... 

Mức quà Tết bình quân từ 500.000-1.000.000 đồng/người/suất, nhiều địa phương chi mức quà cao như Thành phố Hồ Chí Minh là 6.500.000 đồng/người/suất; Quảng Ninh 4.000.000 đồng/người/suất. 

Công tác hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm luôn được các tỉnh, thành phố quan tâm. 

Riêng đối với hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, trong năm 2019, tổng số tiền hỗ trợ là 2.356 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách tỉnh 812 tỷ đồng, huyện 290 tỷ đồng, nguồn vận động 1.254 tỷ đồng); năm 2020 là 1.931 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách tỉnh 767 tỷ đồng, huyện 318 tỷ đồng, nguồn vận động 846 tỷ đồng) và năm 2021 là 1.584 tỷ đồng (trong đó: Ngân sách cấp tỉnh là 24 tỷ đồng, cấp huyện 22 tỷ đồng, nguồn vận động 34 tỷ đồng).

Về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, theo Bộ LĐ-TB&XH, dịp Tết Nguyên đán, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có kế hoạch thăm, tặng quà cho gần 7.515 trẻ em tại 37 địa phương với tổng kinh phí 35,29 tỷ đồng từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. 

Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai kế hoạch tặng quà gia đình chính sách, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt với kinh phí 14,13 tỷ đồng.