Tăng lương ra sao khi chỉ công chức thâm niên cao mới "đủ sống"?

Dân trí

(Dân trí) - "Lương đủ sống" với công nhân may Việt Nam hiện tại là 12,6 triệu đồng/tháng. So với mức "lương đủ sống" này, trong khu vực công, chỉ các công chức chuyên môn thâm niên cao mới đạt được…

Để tính toán "lương đủ sống", trên thế giới có 2 phương pháp tin cậy là phương pháp Anker căn cứ vào giá các chi phí và dịch vụ của 1 hộ gia đình và phương pháp của Liên minh Sàn lương châu Á căn cứ vào chỉ số "Sức mua tương đương" của Ngân hàng Thế giới (WB).

Tăng lương ra sao khi chỉ công chức thâm niên cao mới đủ sống? - 1

Bài toán cải cách tiền lương gắn với khái niệm "lương đủ sống" (ảnh minh họa).

Năm 2018, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố mức chi phí sinh hoạt đủ sống tử tế cho một hộ gia đình công nhân có 4 người ở Việt Nam là từ 6,374 đến 11,534 triệu đồng/người/tháng, tùy theo địa bàn nông thôn hay thành thị.

Tháng 3/2020, Liên minh "Lương đủ sống" toàn cầu công bố lương đủ sống khu vực thành thị của Việt Nam là 4,618 triệu đồng/người/tháng, và mức chi phí đủ để đáp ứng mức sống tử tế cho một hộ gia đình là 7,729 triệu đồng/người/tháng. Riêng tại TPHCM các mức tương ứng là 7,446 triệu đồng/người/tháng và 11,862 triệu đồng/người/tháng.

Tháng 9/2022, Liên minh Sàn lương châu Á công bố lương đủ sống với công nhân ngành may của Việt Nam là 12,642 triệu đồng/người/tháng.

Chỉ công chức chuyên môn thâm niên cao lương mới đủ sống

Lương công chức, viên chức được Nhà nước ấn định thông qua hệ thống chế độ tiền lương quy định tại Nghị định 204/2005/NĐ-CP với các thang lương, bảng lương, phụ cấp cộng thêm khoản phụ cấp công vụ nhân với mức lương cơ sở (hiện tại là 1,490 triệu đồng).

Lương công chức, viên chức chỉ có một mức cho tất cả các địa bàn, và có thêm phụ cấp đặc thù nếu làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc phụ cấp ưu đãi theo nghề làm việc tại các cơ sở y tế công lập.

Theo đó, mức lương cho các công chức làm việc chuyên môn thấp nhất là nhân viên phục vụ có hệ số 1,0=1,86 triệu đồng/người/tháng; cán sự trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên, khởi điểm bậc 1 hệ số là 1,86 bằng 3,144 triệu đồng/người/tháng, sau đó cứ mỗi 3 năm tăng lương thêm khoảng 0,298 triệu đồng/người/tháng.

Chuyên viên trình độ đại học trở lên, khởi điểm bậc 1 hệ số là 2,34 bằng 3,859 triệu đồng/người/tháng, sau đó cứ mỗi 3 năm tăng lương thêm khoảng 0,5 triệu đồng/người/tháng.

Chuyên viên chính khởi điểm bậc 1 hệ số là 4,0 bằng 6,928 triệu đồng/người/tháng, sau đó cứ mỗi 3 năm tăng lương thêm khoảng 0,5 triệu đồng/người/tháng.

Đối với chuyên viên cao cấp, khởi điểm bậc 1 hệ số là 6,2 bằng 9,61 triệu đồng/người/tháng, sau đó cứ mỗi 3 năm tăng lương thêm khoảng 0,5 triệu đồng/người/tháng. Cao nhất là chuyên gia cao cấp bậc 2 bằng 14,086 triệu đồng/người/tháng.

Nếu so sánh với "lương đủ sống" được các tổ chức quốc tế công bố cho thấy, chỉ có lương của các công chức chuyên môn có thâm niên thì mới tương xứng. Công chức trẻ chưa phải là chuyên viên chính, dù giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng sống ở khu vực thành thị cũng sẽ rất vất vả tính toán cho các khoản chi tiêu thường ngày. Tình trạng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "chảy máu", "bỏ việc" công sang khu vực ngoài nhà nước.

Tăng lương cơ sở: Phải đạt ít nhất 3,6-6,7 triệu đồng/tháng

Mức lương cơ sở 1,490 triệu đồng/tháng đã được xác lập cách đây 3 năm. Chế độ lương công chức, viên chức cũng đã "đứng vững" 17 năm trước sự tăng lên của đủ loại chi phí sinh hoạt thường ngày của mỗi gia đình. Công chức gồng gánh, chịu đựng với mức lương thấp mãi dường như cũng mỏi.

Tăng lương ra sao khi chỉ công chức thâm niên cao mới đủ sống? - 2

Lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương đã phải lùi thời hạn thực hiện.

Và sau khi trải qua sự vất vả khó khăn trong 2 năm 2020-2021 do dịch bệnh Covid-19, số lượng công chức, viên chức rời bỏ công sở lên đến gần 40 nghìn người, được coi là hệ quả tất yếu khi lương khu vực công thấp hơn lương của người lao động khu vực ngoài nhà nước.

Tăng lương cơ sở dự kiến được thực hiện trong năm 2023 dù là một giải pháp tạm thời, nhưng lại rất kịp thời và hợp lý trong bối cảnh chưa thể thực hiện cải cách toàn diện chế độ tiền lương công chức, viên chức theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Tăng lương cơ sở là đáp án thông minh nhằm giải bài toán nhanh chóng bảo đảm ổn định đời sống của công chức, viên chức khắc phục sự bất bình đẳng giữa lương công chức với lương của người lao động, tạo động lực làm việc và hiệu quả thực thi nhiệm vụ công của công chức, viên chức.

Mức tăng lương cơ sở là bao nhiêu, nên chăng, cần có sự tính toán một cách khoa học, căn cứ vào thời giá thị trường năm nay. Tuy nhiên cần bảo đảm lương công chức, viên chức phục vụ phải ít nhất từ 3,6 đến 6,7 triệu đồng/người/tháng, để tương ứng với lương đủ sống và lương tối thiểu vùng.

Mức tăng lương cơ sở, cần được chia theo vùng để phù hợp với thời giá sinh hoạt từng vùng và bảo đảm lương công bằng cho các công chức viên chức làm việc tại các địa bàn khác nhau. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, tiền lương của công chức luôn phải được bảo đảm ở mức cao hơn so với mức lương trung bình của thị trường lao động. Bởi đây là đội ngũ người làm công hưởng lương - những người có trách nhiệm với công việc xây dựng, hoạch định và thực thi các chính sách công của đất nước.

"Lương đủ sống" khởi nguồn từ tư tưởng của 2 nhà triết học Hy Lạp thời kỳ cổ đại là Plato và Aristotlel, là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian và đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết cho mức sống tử tế của người đó và gia đình của họ. Các thành tố của mức sống tử tế gồm thức ăn đủ dinh dưỡng, nước uống, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phương tiện đi lại, quần áo, các nhu cầu thiết yếu khác và khoản tiết kiệm dự phòng.

TS Mai Đức Thiện