Tăng giờ làm thêm: Ghi nhận ý kiến đồng thuận của người lao động
(Dân trí) - "Trong thời điểm hiện nay, đề xuất tăng giờ làm thêm là cần thiết nhưng nên áp dụng trong thời gian nhất định", Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu quan điểm.
Phân tích về đề xuất điều chỉnh giờ làm thêm, nới "trần" từ 40 giờ/tháng lên 72giờ/tháng, mở rộng giới hạn làm thêm tối đa 300 giờ/năm với tất cả các ngành nghề, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng Liên đoàn lao động (Tổng LĐLĐ) Việt Nam Lê Đình Quảng nhận định, đây là vấn đề nhạy cảm với cả doanh nghiệp và người lao động.
Thực tế quá trình xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019 cho thấy, nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau liên quan tới thời giờ làm việc và làm thêm.
"Chưa có thời điểm nào như khi giai đoạn xây dựng Bộ luật Lao động 2019, vấn đề giờ làm thêm được thảo luận và xem xét kỹ ở các yếu tố. Cụ thể, về chế định về thời giờ làm thêm và nghỉ ngơi, khi đó, Quốc hội đã thảo luận rất kỹ và có tới 2 lần biểu quyết mới đi tới thống nhất chung", ông Lê Đình Quảng cho biết.
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, qua các lần sửa Bộ luật Lao động, giờ làm thêm đều đã được điều chỉnh tăng. Cụ thể, Bộ luật năm 2012 quy định trần làm thêm trong tháng là 30 giờ, Bộ luật năm 2019 nâng lên mức 40 giờ.
Trong bối cảnh hơn 2 năm gần đây, doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung đã chịu nhiều tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải tạm dừng, bị đứt gãy do giãn cách. Đó là chưa kể tình trạng thiếu lao động sau giãn cách diễn ra ở nhiều nơi.
Đánh giá đề xuất của Chính phủ về việc nâng trần làm thêm trong giờ lên 72 giờ/tháng và 300 giờ/năm, áp dụng với tất cả các ngành nghề, ông Lê Đình Quảng nêu quan điểm: "Về nguyên tắc, tôi ủng hộ chủ trương tăng giờ làm thêm như một giải pháp tạm thời để hỗ trợ doanh nghiệp. Vấn đề là cần có giải pháp thực hiện, mức sao cho phù hợp".
Ông Lê Đình Quảng khuyến cáo, cần tính toán về giờ làm thêm cho thấu đáo, cân đối giữa phát triển kinh tế của doanh nghiệp và khả năng tái tạo sức khỏe của người lao động. Ông nhấn mạnh một lần nữa việc chỉ tăng giờ làm thêm trong một khoảng thời gian nhất định và gợi ý có thể tham khảo thêm một số phương án tăng khác trước khi chốt con số cuối cùng.
Liên quan tới mở rộng giới hạn giờ làm thêm lên 300 giờ/năm cho mọi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, ông Lê Đình Quảng mong muốn cơ quan xây dựng chính sách khảo sát kỹ các ngành nghề và nhóm đối tượng, trên cơ sở đó tính toán cho hợp lý.
Cũng theo Phó Trưởng Ban chính sách pháp luật, thực tế thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ghi nhận ý kiến đồng thuận của người lao động về việc tăng giờ làm thêm. Tuy nhiên, ông Lê Đình Quảng cũng lưu ý đây chỉ là một kênh tham khảo. Việc làm thêm tác động trực tiếp tới sức khỏe người lao động nên cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu tổng thể, từ nhiều góc độ.
Bên cạnh đó, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh vấn đề đảm bảo mức tiền lương áp dụng khi quyết định điều chỉnh giờ làm thêm để qua đó giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.