"Tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động cần được giải quyết"

Dân trí

(Dân trí) - Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt tinh thần đó khi phát biểu kết luận chương trình gặp gỡ, đối thoại với công nhân hôm nay, 12/6.

Cuộc đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân lần thứ 6 với chủ đề "Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước" là một hoạt động ý nghĩa trong Tháng công nhân năm 2022.

Theo Thủ tướng, đối thoại hôm nay góp phần cụ thể hóa, tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW do Bộ chính trị ban hành về đổi mới tổ chức hoạt động công đoàn trong tình hình mới tròn một năm trước.

Tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động cần được giải quyết - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc đối thoại (ảnh: Nhật Bắc).

"Cuộc đối thoại năm nay là việc tiếp nối công việc chúng ta đã và đang làm. Chúng ta cơ bản đang làm tốt, đường lối chính sách của Đảng rõ ràng, nhất là đang thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào phát triển công nghiệp" - Thủ tướng nói.

Trong mục tiêu đã đề ra, năm 2025 là nước đang phát triển, công nghiệp tương đối hiện đại, vượt qua trung bình thấp. Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Trong đó, công nhân là một trong những chủ thể để phát triển công nghiệp hiện đại.

Việc cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng bằng nhiều nhiệm vụ, giải pháp khác nhau, trong đó có 10 vấn đề được đặt ra trao đổi, thảo luận ngày hôm nay. Thủ tướng đánh giá rất cao việc tổ chức, tập hợp này.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định: "Các ý kiến của anh chị em công nhân lựa chọn ra rất đúng, rất trúng và rất cần được giải quyết. Tôi xin cảm ơn sự đóng góp này của anh, chị, em công nhân. Từ đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp thu, lắng nghe ý kiến và trao đổi. Một cuộc trao đổi không thể giải quyết hết tất cả các vấn đề, nhưng không thể không trao đổi".

Tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động cần được giải quyết - 2

Thủ tướng cùng lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có gần 3 giờ trực tiếp đối thoại với công nhân (ảnh: Hải Nguyễn).

Sau khi lắng nghe ý kiến, tập hợp các vấn đề, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung rà soát lại các thể chế, cơ chế, chính sách. Sau khi đã rà soát, cần phải nhanh chóng bổ sung, sửa đổi cho hoàn thiện.

"Chúng ta rất chú ý đến tâm tư, nguyện vọng của người lao động nói chung, trong đó có giai cấp công nhân. Những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, chúng ta phải cùng nhau giải quyết" - Thủ tướng khẳng định.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành thẳng thắn rút kinh nghiệm với những việc chưa làm được, từ đó đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của công nhân lao động về đời sống, công ăn việc làm, học hành, nâng cao trình độ, được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

Chốt lại cuộc làm việc, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, lực lượng công nhân tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam; phát huy hơn nữa trong điều kiện mới còn khó khăn, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, với hệ thống chính trị, nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thách thức; tiếp tục đóng góp hiệu quả, tích cực hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong khuôn khổ cuộc đối thoại của Thủ tướng với công nhân lao động, chương trình "Giờ thứ 9+" chính thức được ra mắt.

Tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động cần được giải quyết - 3

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Đỗ Thanh Hải thực hiện nghi thức ra mắt Chương trình "Giờ thứ 9+".

"Giờ thứ 9+" là chương trình giải trí dành cho công nhân lao động mang tên "Giờ thứ 9+" được phát sóng hàng tuần từ 15h-15h45 chủ nhật hàng tuần trên kênh VTV3, do Tổng Liên đoàn lao động và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Đối tượng tham gia chương trình "Giờ thứ 9+" năm 2022 là đoàn viên công đoàn, công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trong phạm vi cả nước.

Chương trình được kết cấu dưới dạng Game show hấp dẫn qua ba vòng thi thử thách về tay nghề, năng khiếu cá nhân và trình độ hiểu biết pháp luật của người lao động gồm: "Vào ca", "Giải lao", "Tan ca".

Chương trình nhằm giới thiệu hình ảnh người công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường, nhiều ước mơ, khát vọng, làm việc giỏi, có lối sống đẹp.

Thông qua chương trình, công nhân lao động nói lên tâm tư, nguyện vọng việc làm, đời sống; thể hiện tài năng cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật và trách nhiệm công dân với xã hội. Khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động, giúp công nhân nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc vất vả, góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần yêu nước, yêu lao động của công nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Qua 2 chương trình thử nghiệm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam nhận được phản hồi rất tích cực từ phía công nhân lao động, cán bộ công đoàn và xã hội; Chương trình được đánh giá là sân chơi ý nghĩa, thiết thực và là món ăn tinh thần bổ ích cho công nhân lao động sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi.

Chương trình một lần nữa khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với công nhân lao động, giúp công nhân nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc vất vả, góp phần tuyên truyền, giáo dục nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, yêu lao động của công nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước.