1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Tâm nguyện của người mẹ trước lúc mất và hành trình "đi tìm các anh"

Ngô Linh

(Dân trí) - Gác lại việc nhà, dành toàn bộ quỹ lương hưu, hơn 13 năm qua ông Đặng Ngọc Nga đã rong ruổi khắp các tỉnh, thành với nỗi niềm "đưa liệt sỹ về nhà", hoàn thành tâm nguyện của mẹ lúc mất.

Thực hiện lời dặn của mẹ

Những ngày giữa tháng 7, chúng tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng cựu binh Đặng Ngọc Nga (70 tuổi, trú thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), bởi như lời vợ ông nói "ông ấy ăn cơm ngoài nhiều hơn ở nhà".

Hơn 13 năm qua, gần như toàn bộ quỹ thời gian của ông đều dành cho việc xác minh, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.

Cựu chiến binh hơn 13 năm tìm mộ liệt sỹ theo di chúc của mẹ (Video: Ngô Linh).

Ông Đặng Ngọc Nga cho hay, năm 2010, trước lúc mất, người mẹ cầm chặt tay ông dặn bằng mọi giá phải tìm được hài cốt của 3 liệt sỹ bà từng tự tay chôn cất, để quy tập về nghĩa trang.

Đó là 3 liệt sỹ Lò Văn Nhanh (quê tỉnh Cao Bằng), Nguyễn Văn Dùng và Nguyễn Xuân Quý (cùng quê tỉnh Hải Dương), đã hy sinh anh dũng trong trận chiến ác liệt mùa xuân năm 1968.

Chính tay mẹ ông Nga đã chôn cất các anh ở ngọn đồi Tranh (phía sau trụ sở thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam), nhưng bị thất lạc tin tức. Mẹ ông cũng từng nhiều lần tìm kiếm nhưng bất thành.

Hơn 2 năm trời, ông Nga lùng sục khắp ngọn đồi Tranh, lần theo ký ức của mẹ để xác định vị trí.

"Giữa rừng già, 3 hài cốt liệt sỹ nằm sâu dưới lớp đất đá khoảng 3m, nhưng may mắn có trận mưa to kéo dài rửa trôi rồi lộ thiên. Tôi vui đến phát khóc, không ngừng lẩm nhẩm "con tìm được các anh rồi mẹ ơi, mẹ yên nghỉ đi nhé", ông Nga nhớ lại.

Tâm nguyện của người mẹ trước lúc mất và hành trình đi tìm các anh - 1

Cựu chiến binh Đặng Ngọc Nga thông qua mạng xã hội để hỗ trợ thân nhân liệt sỹ (Ảnh: Ngô Linh).

Do hoàn cảnh chiến tranh, khi ấy mẹ ông Nga phải an táng cả 3 liệt sỹ vào chung một mộ. Vì vậy, khi quy tập, cất bốc không thể tách riêng hài cốt từng liệt sỹ mà vẫn phải lập mộ chung.

Sau khi cùng các anh em trong Huyện đội Hiệp Đức đưa hài cốt về nghĩa trang, ông Nga đăng tin trên mạng và báo đài nhờ kết nối với thân nhân 3 liệt sỹ. May mắn, thân nhân của liệt sỹ Nguyễn Văn Dùng (quê Hải Dương) đã tiếp nhận được thông tin và cuộc trùng phùng đẫm nước mắt sau mấy mươi năm xa cách khiến ông Nga không thể nào quên.

"Sau khi bàn bạc, gia đình quyết định vẫn để 3 liệt sỹ nằm chung một ngôi mộ. Hàng năm, gia đình đều về nghĩa trang xã Bình Sơn, huyện Hiệp Đức để thắp nhang, tưởng nhớ", ông Nga cho hay.

Kết nối thân nhân liệt sỹ

Năm 15 tuổi, ông Đặng Ngọc Nga tham gia đội du kích địa phương. Năm 1979-1986, ông tình nguyện tham gia chiến trường Campuchia. Sau đó, ông trở thành sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương cho đến khi về hưu.

Tâm nguyện của người mẹ trước lúc mất và hành trình đi tìm các anh - 2

Thông tin về liệt sỹ được ông lưu giữ cẩn thận trong máy tính (Ảnh: Ngô Linh).

Sau khi về hưu, ông Nga có thêm nhiều thời gian để xác minh, quy tập hài cốt liệt sỹ. Từ năm 2011 cho đến nay, đã có 40 hài cốt liệt sỹ được ông hỗ trợ đưa về quê, đoàn tụ cùng gia đình.

Ông kể, khi chứng kiến cảnh người thân liệt sỹ ôm hài cốt òa khóc nức nở sau nhiều năm chờ đợi, ông cảm thấy day dứt. Từ đó, ông xem việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ là trọng trách cao quý của mình.

Danh xưng ông Sáu Nga "tìm mộ liệt sỹ" cũng đã thắp lên hy vọng cho nhiều gia đình có liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Quảng Nam.

Ông Nga chia sẻ, cảnh quan, nhiều địa chỉ liên lạc thay đổi sau hàng chục năm hoặc gia đình chuyển nơi ở gây khó khăn cho việc tìm kiếm.

Không ít lần người lính già đi xe hàng nghìn cây số, cùng thân nhân liệt sỹ lội rừng, băng suối vào chiến trường xưa tìm hài cốt nhưng phải về tay trắng. Nhiều trường hợp thông tin khắc trên bia mộ lệch với giấy chứng tử cũng cản trở quá trình đón liệt sỹ về.

"Càng ngày việc tìm kiếm càng khó, hiện nay tôi rất hy vọng vào định danh liệt sỹ qua giám định ADN. Đây là chủ trương rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, khơi lên niềm tin trả lại tên cho hàng trăm nghìn liệt sỹ còn khuyết danh", ông Nga bộc bạch.

Tâm nguyện của người mẹ trước lúc mất và hành trình đi tìm các anh - 3

Đội hỗ trợ gia đình liệt sỹ của các cựu chiến binh huyện Hiệp Đức (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bên cạnh liên lạc trực tiếp với thân nhân liệt sỹ, ông Nga thông qua mạng xã hội để kết nối người thân liệt sỹ khắp mọi nơi. Theo ông Nga, với những hài cốt không thể kết nối được với thân nhân, ông tự nguyện gánh trách nhiệm đứng ra quy tập về nghĩa trang liệt sỹ, một tay chăm lo hương khói.

Đặc biệt, từ năm 2015, đội xe máy nghĩa tình của cựu chiến binh huyện Hiệp Đức (đội hỗ trợ gia đình liệt sỹ cựu chiến binh huyện Hiệp Đức) gồm 8 thành viên. Đội đã thực hiện hàng trăm cuốc xe ôm miễn phí đưa đón thân nhân liệt sỹ, vượt qua các cung đường núi gồ ghề đi tìm mộ; đồng thời, bố trí chỗ ăn nghỉ với thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn.

"Khi chia tay các liệt sỹ về với đất mẹ, cựu chiến binh huyện Hiệp Đức sẽ tổ chức một buổi tiễn đưa trang trọng, đúng nghi thức. Đây cũng là sự bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các liệt sỹ, thân nhân gia đình", ông Nga nói.