Tai nạn lao động chết người ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 giảm gần 17%
(Dân trí) - So với giai đoạn 2011 - 2015, tần suất tai nạn lao động chết người giai đoạn 2016-2020 giảm 16,99%. Bình quân mỗi năm xảy ra 7.389 vụ làm 613 người chết trong khu vực có quan hệ lao động.
Sáng ngày 20/4 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất giai đoạn 2021-2025. Tới dự và phát biểu chỉ đạo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng đại diện các cục, vụ và sở ban ngành liên quan.
Tai nạn lao động giảm gần 17%
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh: "Tiếp nối tác động hiệu quả của Chương trình giai đoạn 2011-2015, cùng với sự chuẩn bị và tham gia tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, sự phối hợp hiệu quả với các hoạt động thường xuyên khác về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), việc triển khai hoạt động Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nhất định".
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, so với giai đoạn 2011-2015, tần suất tai nạn lao động chết người giai đoạn 2016-2020 giảm 16,99%. Số người lao động đã được khám và phát hiện bệnh nghề nghiệp là 960.089, chiếm tỷ lệ 43,68% tổng số lao động có nguy cơ.
Đồng thời, trên 4.500 doanh nghiệp được tư vấn xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ. Trong đó có trên 445 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu, làm mẫu xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ.
"Hoạt động của Dự án ATVSLĐ theo nguyên tắc hỗ trợ và thúc đẩy sự tự nguyện tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, nhằm duy trì bền vững các mục tiêu đã đề ra" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, do tình hình kinh tế khó khăn chung của cả nước, nên Dự án gặp khó khăn trong một số hoạt động như: Triệu tập người làm công tác ATVSLĐ, người sử dụng lao động tham gia các lớp huấn luyện, phối hợp xây dựng hệ thống quản lý, và mô hình kỹ thuật…
Bên cạnh đó, một số cán bộ phụ trách an toàn vệ sinh lao động ở cấp huyện, cấp xã còn là cán bộ kiêm nhiệm, chuyên môn trong các lĩnh vực an toàn không sâu nên khó khăn trong công tác tuyên truyền.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị các lãnh đạo Sở ngành, địa phương trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những vướng mắc, bất cập khách quan và chủ quan, đồng thời đề xuất những giải pháp, lựa chọn những hoạt động thiết thực nhất.
Chương trình cấp bách
Báo cáo tại Hội nghị, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: "Trong giai đoạn năm 2016 - 2020, công tác ATVSLĐ đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của Quốc gia. Đa số các mục tiêu đề ra đều đã đạt được".
Theo ông, Bùi Đức Nhưỡng, trong giai đoạn 2016 - 2020, đa số các vụ tai nạn lao động chết người tập chung vào các ngành như: Khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại, hóa chất.
"Kết quả điều tra chuyên sâu diễn ra năm 2017 - 2019 cho thấy, các ngành lĩnh vực thuộc mục tiêu Chương trình đã giảm tần suất tai nạn lao động chết người từ 1,7% - 15,4%. Chương trình đã đạt mục tiêu đặt ra vào cuối năm 2020" - ông Bùi Đức Nhưỡng thông tin.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng khu vực có quan hệ lao động, từ năm 2016 - 2020, bình quân mỗi năm xảy ra 7.389 vụ tai nạn lao động làm 7.559 người bị nạn với 613 người chết. Tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 138.089 ngày.
Từ đó cho thấy việc xây dựng Chương trình Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025 là việc cần thiết và cấp bách.
Đối với Chương trình Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tăng cường chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động, tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của quốc gia.