1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Suất cơm 0 đồng, tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Hàng dài người đứng xếp hàng chờ lấy những suất cơm 0 đồng, phần lớn họ là người lao động nghèo, có những cụ bà tóc đã bạc phơ đi chăm người bệnh.

"Bà con xếp hàng và trật tự để chúng cháu tiến hành phát cơm ạ. Mỗi người được nhận tối đa 4 suất cơm và đều miễn phí ạ. Ai chưa có hộp nhựa đựng chúng cháu sẽ lấy tiền cược 10 nghìn đồng mỗi hộp.

Khi nào bà con ra viện mang hộp đến chúng cháu gửi lại tiền ạ", đó là âm thanh quen thuộc ở nhà ăn 0 đồng Nhất Tâm tại ngõ 15 phố Phương Mai (quận Đống Đa, Hà Nội) nhiều ngày qua.

Ấm lòng những suất cơm 0 đồng

10h sáng mỗi ngày, hàng trăm người dân đa phần là người nhà bệnh nhân, những người lao động khó khăn đứng xếp hàng chờ phát cơm miễn phí. Các thành viên nhà ăn người bên trong tất bật chuẩn bị đồ ăn, người bên ngoài liên tục nhắc nhở người dân giữ trật tự, xếp hàng ngay ngắn chờ đợi đến lượt.

Suất cơm 0 đồng, tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực - 1

10h sáng mỗi ngày, hàng trăm người dân đa phần là người nhà bệnh nhân, những người lao động khó khăn đứng xếp hàng chờ phát cơm miễn phí.

Đúng 10h30 từng suất cơm chay được đóng hộp cẩn thận phát cho người dân. Với mỗi suất cơm, các tình nguyện viên muốn gửi gắm những tình cảm của nhóm thiện nguyện đến những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người lao động... tiếp thêm chút lửa cho những mảnh đời này.

Cầm suất cơm trên tay, chị Triệu Thị Láy (47 tuổi, ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) không khỏi xúc động. Chị Láy xuống chăm chồng chị bị suy tim, hở van tim đang điều trị tại Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai.

Suất cơm 0 đồng, tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực - 2

Những suất cơm 0 đồng, hành động nhỏ của tấm lòng lớn tiếp thêm chút lửa cho những mảnh đời cơ cực.

Điều kiện gia đình vô cùng khó khăn, bao nhiêu tiền bạc đều mang xuống Hà Nội dồn vào điều trị cho chồng, 4 ngày qua, có lúc chị Láy nhịn đói hoặc xin cơm từ thiện để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Chồng mình bị tim nhưng không có tiền mổ, nhiều lần cũng nhờ bệnh viện giúp đỡ mổ miễn phí nhưng vẫn phải chờ nên chưa biết đến bao giờ. Ở quê vợ chồng chỉ bám vào ruộng lúa, nương ngô nên rất khó khăn. 

Hai ngày trước tôi được mọi người bảo xuống đây xin cơm nên tôi đến chờ từ sớm. Nhận được những suất cơm này tôi rất xúc động", chị Láy chia sẻ.

Suất cơm 0 đồng, tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực - 3

Bà Chiến chia sẻ, những suất cơm chay 0 đồng đã giúp những người khó khăn như bà tiết kiệm được phần nào chi phí.

Cũng đi chăm người nhà trong Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Hồng Chiến (68 tuổi, ở TP Hòa Bình) cho biết, những suất cơm chay 0 đồng đã giúp những người khó khăn như bà tiết kiệm được phần nào chi phí.

"Những người có người thân điều trị tại viện như chúng tôi đều chung hoàn cảnh khó khăn. Chồng tôi bị cắt trực tràng, mỗi tháng tôi phải đưa chồng xuống Hà Nội điều trị 3 lần rất tốn kém.

Được phát cơm miễn phí tôi vui và phấn khởi lắm, đồ ăn ở đây được nấu rất ngon, đặc biệt các món ăn được thay đổi mỗi ngày. Nhận suất cơm từ các bạn tình nguyện viên nhiệt tình, chu đáo, vui vẻ tôi thấy tuyệt vời lắm", bà Chiến xúc động.

Tình người ở gian bếp 0 đồng

Chị Phạm Thị Thúy (thành viên nhóm thiện nguyện Nhất Tâm) cho biết, nhà ăn 0 đồng tại cơ sở ngõ 15 Phương Mai (quận Đống Đa) mới khai trương 2 tháng nay. Ngoài ra, tại Hà Nội thiện nguyện Nhất Tâm có 1 nhà ăn ở Bệnh viện Bạch Mai, một nhà ăn ở cổng sau Bệnh viện K Tân Triều và 1 nhà ăn ở đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm).

Suất cơm 0 đồng, tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực - 4

10h30 sáng mỗi ngày, 500 suất cơm miễn phí phục vụ bệnh nhân nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Theo chị Thúy, nhà ăn 0 đồng được mở ra với mong muốn chia sẻ cùng người dân, lao động nghèo để mọi người cảm thấy vui vẻ, ấm áp hơn. Những tình cảm này được nhóm thiện nguyện gửi gắm qua từng suất cơm mỗi ngày.

"Ở đây mỗi trưa chúng tôi phát 500 suất cơm phục vụ bệnh nhân nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Chúng tôi phát từ 10h30 đến hơn 11h thì hết cơm.

Chúng tôi chỉ muốn san sẻ, hỗ trợ một phần nào đó về mặt kinh tế, từ đó động viên tinh thần bà con phấn chấn hơn, yên tâm chữa bệnh", chị Thúy tâm sự.

Theo chị Thúy, kinh phí để duy trì nhà ăn 0 đồng có sự chung tay hỗ trợ của mạnh thường quân, có người ủng hộ gạo, có người ủng hộ rau củ… nhiều bạn sinh viên mang từng túi gạo nhỏ đến ủng hộ.

Suất cơm 0 đồng, tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực - 5

Nhà ăn 0 đồng được mở ra với mong muốn san sẻ, hỗ trợ động viên tinh thần, giúp những bệnh nhân yên tâm chữa bệnh.

"Để nhà ăn hoạt động đến tận bây giờ là có sự chung tay đồng lòng của mọi người. Các suất ăn hàng ngày chúng tôi đều thay đổi món cho mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị dễ ăn hơn.

Những ai đến đây không mang theo hộp đựng cơm chúng tôi phát hộp rồi bảo mọi người cược 10 nghìn. Mỗi lần như vậy chúng tôi đều dặn bà con dùng thoải mái khi nào ra viện trả lại hộp chúng tôi gửi lại tiền. Nhiều người không biết lại nghĩ chúng tôi phát cơm miễn phí sao lại thu tiền, nhưng không phải", chị Thúy chia sẻ thêm.

Phụ trách chuỗi nhà ăn và xe cứu thương 0 đồng, anh Nguyễn Xuân Thăng, cho biết, bình quân mỗi ngày 2 nhà ăn ở Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ 700-800 suất ăn cho những hoàn cảnh khó khăn.

Suất cơm 0 đồng, tiếp thêm lửa cho những mảnh đời cơ cực - 6

Những người chờ lấy cơm chay 0 đồng, trong đó phần lớn là lao động tự do lên thành phố để chữa bệnh, mưu sinh.

"Đỡ được phần nào chi phí cho những người ở xa đến đây điều trị bệnh, rồi những người lao động có hoàn cảnh khó khăn đó là hiệu quả lớn nhất nhóm thiện nguyện chúng tôi đã đạt được.

Khi thành lập nhà ăn 0 đồng mong muốn lớn nhất của chúng tôi đó là gieo duyên cho mọi người ăn chay, hơn nữa tạo tiền đề phát huy nội lực của cộng đồng trong phong trào thiện nguyện đưa phong trào này đi lên.

Đâu đó ngoài kia vẫn còn nhiều người vất vả, khó khăn nên hỗ trợ được đến đâu đó cũng là điều quý. Ở đây chúng tôi giúp đỡ mọi người bằng lương tâm, nhiệt huyết chia sẻ khó khăn và không có bất kỳ đồng lương nào", anh Thăng chia sẻ.