Sự trùng hợp khó tin về con số 8 nơi hang Tám Cô
(Dân trí) - Hang Tám Cô là biểu tượng cho sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ thanh niên xung phong, là địa điểm tâm linh gắn với nhiều huyền tích linh thiêng, trong đó có những sự trùng hợp khó tin liên quan đến con số 8.
"Tọa độ lửa" trên đường 20 - Quyết Thắng
Di tích lịch sử Hang Tám Cô, hay còn gọi là hang 8 thanh niên xung phong (TNXP) tại km 16, đường 20 - Quyết Thắng, thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Đây là một trong những "tọa độ lửa" những năm 1971-1972.
Nói về Hang Tám Cô cũng như đường 20 - Quyết Thắng, ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, đây là con đường của tuổi trẻ Việt Nam, nơi mà hàng vạn TNXP đã "xẻ ngang Trường Sơn" đi cứu nước.
Ông Phong lý giải, "xẻ ngang Trường Sơn" đi cứu nước là bởi lẽ trên con đường chi viện cho chiến trường miền Nam, khi đến Quảng Bình, quân và dân ta đã mở tuyến đường ngang vắt qua Lào, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, một phần nhằm tránh hàng rào điện tử McNamara của Mỹ tại Quảng Trị. Cũng bởi vậy, đường 20 - Quyết Thắng trở thành nơi đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.
Hang Tám Cô sâu 20m, rộng 10m, thuận lợi cho bộ đội và các TNXP trú ẩn trong chiến tranh. Các tài liệu ghi chép cho biết, cạnh hang động này có một trạm giao liên, mỗi đợt tiếp quản có 8 người thay nhau. Đợt 8 cô gái trẻ đến đã mang lại không khí mới cho vùng chiến trận. 8 cô gái tính tình hiền lành, vui vẻ, người dân yêu quý đặt luôn cho tên hang đá này là Hang Tám Cô.
Tròn 50 năm trước, vào ngày 14/11/1972, trong lúc các lực lượng đang làm nhiệm vụ san lấp hố bom, thì máy bay Mỹ ập đến đánh phá. 8 TNXP gồm 4 nam, 4 nữ đã chạy vào hang đá để tránh bom, không may, một khối đá khổng lồ lăn xuống bịt kín cửa hang.
Đồng đội đã tìm mọi cách cung cấp nhu yếu phẩm, lấy ống tuy-ô, luồn qua kẽ hở để đưa nước uống và lương khô quấy nhuyễn vào cho những người bị kẹt trong hang.
Lực lượng bên ngoài đã thử nhiều phương án, trong đó việc dùng mìn phá tảng đá lấp cửa hang cũng được cân nhắc nhưng không được chấp thuận vì sợ những người trong hang không chịu nổi sức ép. Lực lượng cơ giới cũng đã điều 2 xe xích để kéo tảng đá, nhưng qua mấy lần thực hiện, xích sắt đều bị đứt.
Thời gian trôi qua, những nỗ lực tìm cách giải cứu đều không có kết quả, phía trong hang tiếng kêu yếu dần, khẽ đi. 8 TNXP đã anh dũng hy sinh.
Những con số 8 trùng hợp
Di tích Hang Tám Cô ngày nay đã được chính quyền địa phương tôn tạo. Cửa hang đá được phục dựng, cạnh đó là Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng.
Hang Tám Cô không chỉ là biểu tượng của sự hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường của các thế hệ TNXP mà đã trở thành một địa điểm tâm linh, gắn với nhiều huyền tích.
Nhiều năm công tác ở đây, anh Nguyễn Tứ Vỵ, Trưởng Ban Quản lý Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng đã chứng kiến những câu chuyện diệu kỳ. Tại "địa chỉ đỏ" này luôn xuất hiện những chuyện, những việc liên quan đến con số 8.
Theo anh Vỵ, đầu tiên là câu chuyện cây chuối rừng ở trước cửa Hang Tám Cô trổ buồng ra đúng 8 nải. Chuyện buồng chuối rừng trổ 8 nải không chỉ một lần mà lặp đi, lặp lại, đặc biệt là thường trổ đúng dịp tuần lễ húy nhật (ngày giỗ) của 8 liệt sỹ TNXP hy sinh ở Hang Tám Cô.
Rồi chuyện tắc kè đẻ 8 trứng. Ở đền có một đôi tắc kè đến trú ẩn, mọi người gọi đó là đôi tắc kè Trường Sơn. Chúng về làm bạn với những cán bộ quản lý ở đền thờ đã gần 10 năm nay.
Một ngày đẹp trời, cặp tắc kè ấy đẻ trứng ngay trong hang. Lạ lùng thay, tắc kè cái đẻ đúng 8 quả trứng. Thời gian sau, từ 8 quả trứng đó nở ra 8 chú tắc kè con, không hỏng một quả nào. Những người đến viếng đền thời điểm đó không ngừng bàn tán xôn xao, tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm về sự trùng hợp ngẫu nhiên đến lạ kỳ ấy.
Ngoài ra, vào đêm diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại, trong khi hàng nghìn khách thập phương về dự đang lặng mình tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ thì bất ngờ từ trong Hang Tám Cô, những tiếng "tắc kè, tắc kè" vang lên trong vắt. Điều khó thể tin được là những âm thanh dứt khoát, dõng dạc ấy phát ra đúng 8 lần rồi im bặt.
Nơi cái chết hóa thành bất tử
Về 8 TNXP hy sinh ở Hang Tám Cô, vào tháng 9/1995, tại Hội nghị TNXP tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình, vấn đề tìm hài cốt 8 liệt sỹ hy sinh lần đầu được đặt ra. Sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đồng ý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh này tiến hành thực hiện.
Ngày 22/3/1996, lực lượng tìm kiếm sử dụng mìn để phá hòn đá chắn cửa hang. Sau thời gian làm việc tích cực, lực lượng tìm kiếm đã thu thập được toàn bộ hài cốt 8 liệt sỹ TNXP, tất cả đều quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Ngày 4/6/1996, tỉnh Quảng Bình đã làm lễ bàn giao, đưa tiễn 8 liệt sỹ về an táng tại quê nhà.
Di tích đường 20 - Quyết Thắng thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1986.
Theo Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Hang Tám Cô và Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 - Quyết Thắng là địa chỉ được đông đảo du khách và người dân ghé thăm. Trong 10 tháng đầu năm 2022, nơi đây đã đón hơn 23.000 lượt người.
Trong mỗi dịp nghỉ lễ, dòng người nối dài, chậm rãi chờ đến lượt thắp một nén nhang, dành những phút mặc niệm, trầm tư trong không gian linh thiêng, tỏ lòng thành kính tri ân các liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập dân tộc.
Ngày 14/11 năm nay, tỉnh Quảng Bình tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm Ngày hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ tại Hang Tám Cô (14/11/1972-14/11/2022) và đường 20 - Quyết Thắng.
Các liệt sỹ TNXP hy sinh tại Hang Tám Cô gồm: Nguyễn Văn Huệ (SN 1952, xã Hoằng Trường), Nguyễn Văn Phương (SN 1954, xã Hoằng Trường), Hoàng Văn Vụ (SN 1953, xã Hoằng Hà), Nguyễn Mậu Kỷ (SN 1947, xã Hoằng Đạt), Trần Thị Tơ (SN 1954, xã Hoằng Trường), Lê Thị Lương (SN 1953, xã Hoằng Thịnh), Đỗ Thị Loan (SN 1952, xã Hoằng Ngọc) và Lê Thị Mai (SN 1952, xã Hoằng Thịnh).