"Sống mà chỉ nghĩ về mình thì bọn em chuồn về đất liền ở lâu rồi"
(Dân trí) - Dù gian khó, hiểm nguy tới đâu, người lính đảo cũng sẵn sàng dùng thân mình để bảo vệ từng tấc đất bờ cõi mà cha ông đã mở mang, gìn giữ từ bao đời này...
Đoạn hội thoại trong clip đen trắng chỉ kéo dài 20 giây, theo hình thức hỏi - đáp giữa phóng viên và 2 người lính xuất hiện trên mạng xã hội đã thực sự gây sốt.
"Đồng chí quê ở đâu?/ Em quê ở Nghệ Tĩnh.
Đời sống trên đảo thế nào?/ Đời sống trên đảo thì khổ, khổ lắm anh trai ạ.
Lao động thì ra sao?/ Lao động thì vô cùng cực nhọc.
Buồn hay vui?/ Buồn thì nhiều mà vui thì cũng có.
Vẫn yên tâm bám trụ đấy chứ?/ Vâng, nếu như sống mà chỉ nghĩ về mình thì bọn em chuồn ở đất liền từ lâu rồi" (Ý là nếu chỉ nghĩ về mình thì đã bỏ đảo, về đất liền cho đỡ cực - PV).
Cuộc hội thoại ngắn đã khái quát cuộc sống của người lính đảo những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, khi cuộc chiến bảo vệ chủ quyền mang tên CQ88 đang diễn ra hết sức gay gắt trên vùng biển Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).
Từ những gian khổ trong cuộc sống, sinh hoạt và chiến đấu, làm nổi bật lên tinh thần yêu nước, vượt mọi trở ngại để bảo vệ chủ quyền biển đảo của những người lính Hải quân.
Qua nhiều khâu kết nối, chúng tôi đã tìm được người lính trong đoạn clip nói trên. Ông là Đinh Hữu Tân (56 tuổi, trú tại xã Trung Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
"Tôi cũng mới biết đến đoạn clip này khi được người quen gửi qua zalo vì thấy người trong clip giống tôi. Đoạn phim này do Bộ tư lệnh Hải quân quay, khi chúng tôi có một chuyến tăng cường công tác ra Trường Sa", ông Tân cho hay.
Tháng 9/1986, người thanh niên Đinh Hữu Tân nhập ngũ, biên chế vào Đại đội cảnh vệ, Bộ tư lệnh Hải quân vùng 1, đóng quân ở Hải Phòng. Khi sự kiện ngày 13/4/1988 tại đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam diễn ra, các lực lượng hải quân chuyển sang chế độ trực chiến. Nhiều đơn vị được tăng cường ra các đảo, các đơn vị còn lại sẵn sàng với tinh thần "tất cả vì Trường Sa thân yêu".
Các chuyến tàu chở vật liệu xây dựng, củng cố các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam liên tục xuất phát từ khu vực cảng thuộc Bộ tư lệnh Hải quân vùng 1, hướng thẳng ra Trường Sa, cùng với đó là lương thực, thực phẩm, rau xanh và nước sạch.
"Hết ca trực, chúng tôi có nhiệm vụ đóng xi măng vào bao tải, vận chuyển xuống tàu. Vì vượt một chặng đường dài, đối mặt với sóng gió biển khơi, xi măng phải bọc thêm một lớp túi ni lông nữa để bảo quản, tránh vào nước, đóng cứng lại. Vì Trường Sa, vì những đồng đội đang canh gác chủ quyền biển đảo của tổ quốc nên không một ai để ý vất vả, mệt nhọc gì cả", ông Tân nhớ lại.
Một ngày cuối năm 1988, ông Tân và một số đồng chí khác trong Trung đội cảnh vệ Bộ Tư lệnh vùng 1 được lệnh lên chuyến tàu vận tải ra Trường Sa để thực hiện nhiệm vụ đột xuất. Nhiệm vụ gấp gáp, không ai kịp báo về gia đình. Tàu đạp trên sóng, chở yêu thương và tin tưởng của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân cả nước ra với đảo, với những người lính đang ngày ngày đối mặt với khó khăn, hiểm nguy ở nơi vùng biển tiền tiêu của Tổ Quốc.
Tàu cập đảo, ngoài nhiệm vụ vận chuyển hàng đến các địa điểm tập kết, người lính Đinh Hữu Tân cũng đánh trần, cùng đồng đội vác đá, xây công sự, củng cố hệ thống phòng thủ, xây các nhà chìm, nhà nổi để bộ đội yên tâm sinh hoạt và chiến đấu.
Ra với đảo, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng chiến đấu với lính đảo, người lính Đinh Hữu Tân cảm nhận sâu sắc hơn khó khăn, thiếu thốn của đồng đội. Nhưng cũng chính họ đã dạy cho anh hiểu rằng, dù gian khó, hiểm nguy tới đâu, người lính đảo cũng sẵn sàng dùng thân mình để bảo vệ từng tấc đất, bờ cõi mà cha ông đã mở mang, gìn giữ từ bao đời này.
"Cuộc phỏng vấn diễn ra đột ngột, không báo trước, họ hỏi gì thì chúng tôi trả lời nấy thôi. Tôi chỉ ở đảo một thời gian ngắn là theo tàu vào đất liền nhưng thế hệ lính hải quân chúng tôi thời ấy nhận thức rõ trọng trách mình đang mang trên vai nên khó khăn, thiếu thốn, gian khổ và hiểm nguy đến đâu vẫn kiên cường bám đảo.
Đảo ngày ấy thiếu thốn đủ thứ nhưng anh em được đón nhận nhiều tình cảm từ đất liền, sự tin tưởng của các thủ trưởng, của người dân cả nước để vững vàng hơn trước mọi nhiệm vụ quân đội và nhân dân giao phó", cựu lính hải quân Đinh Hữu Tân tâm sự.
Tháng 9/1989, người lính Đinh Hữu Tân ra quân. Thời gian ở Trường Sa dù ngắn nhưng vẫn luôn là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời quân ngũ của ông.
Ông vui hơn khi dù đã hơn 30 năm trôi qua, những thước phim tư liệu được các bạn trẻ đăng tải, chia sẻ trên Facebook, Tiktok cùng những bình luận tích cực của các bạn trẻ về một thế hệ người lính can trường bám biển, bám đảo bảo vệ chủ quyền.