So với các tỉnh phía Nam, An Giang chi tiền hỗ trợ còn chậm
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chia sẻ khó khăn với tỉnh An Giang khi dịch Covid-19 kéo dài. Tuy nhiên so với các tỉnh phía Nam, An Giang chi các gói hỗ trợ cho người lao động còn chậm.
Ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác đến làm việc tại tỉnh An Giang, kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an sinh theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP.
Xin kéo dài chính sách đào tạo duy trì việc làm
Báo cáo về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ ông Phạm Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang - cho rằng các chính sách hỗ trợ của Trung ương đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đời sống của người dân và người lao động. Địa phương đã san sẻ khó khăn với người sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Đến nay An Giang đã thực hiện hỗ trợ cho 173.303 đối tượng, với tổng kinh phí các chính sách là 191,3 tỷ đồng. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội 30 tỷ đồng, chính sách tiền mặt 156,9 tỷ đồng, chính sách vay vốn 4,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã tiến hành hỗ trợ người lao động tự do và đối tượng đặc thù cho 102.857 lượt đối tượng với số kinh phí là 154,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng trong quá trình thực hiện các chính sách vẫn còn một số hạn chế, khó khăn như: Tiến độ thực hiện một số chính sách vẫn còn chậm, có chính sách chưa phát sinh hồ sơ đề nghị, số đối tượng vượt khả năng ngân sách của tỉnh.
An Giang đang tập trung lo công tác an sinh cho khoảng 65.000 lao động trở về địa phương từ 1/10 và vấn đề việc làm trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ cho phép An giang kéo dài thời gian thực hiện "Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động" tại khoản 3, Chương 2, Nghị quyết 68 đến hết năm 2022.
Vì hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tại An Giang vẫn còn diễn biến phức tạp nên đa số các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chưa có nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động.
Triển khai một số chính sách còn chậm
Tại buổi làm việc ông Tào Bằng Huy - Phó Cục trưởng Cục Việc làm - cho rằng, theo báo cáo của An Giang cơ bản đã triển khai các chính sách, tuy nhiên việc chi tiền đến tay người lao động còn chậm. Theo đó, An Giang nên sớm triển khai hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là lao động tự do, phê duyệt bao nhiêu thì chi bấy nhiêu.
Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Văn phòng Đại diện Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM, đánh giá cao công tác triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động.
Theo ông Thắng, An Giang là nơi có nguồn cung lao động, nên không thiếu lao động trong thời gian tới. Tuy nhiên, An Giang cần rà soát về ngành nghề, trình độ đào tạo để có hướng giải quyết việc làm, kết nối với các địa phương để giải quyết việc làm cho hơn 65.000 lao động trở về địa phương.
"Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn để đưa đi làm việc tại Nhật Bản. Theo đó, tỉnh An Giang cần nghiên cứu về việc kết nối với các doanh nghiệp để phối hợp tuyển dụng, đào tạo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ người lao động được vay vốn học nghề để đi làm việc tại Nhật Bản", ông Thắng gợi ý giải pháp.
Ông Võ Văn Thiện - Ủy viên UBTWMTTQVN, Trưởng Ban Công tác phía Nam - chia sẻ: "Qua giám sát của Ủy ban MTTQVN các cấp, chúng tôi thấy rằng lãnh đạo các cấp các ngành nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương đến người dân, người lao động.
Mặc dù có nơi còn chậm, chưa kịp thời đến người dân nhưng theo tôi chúng ta cùng nhau chia sẻ và làm tốt hơn nữa việc chăm lo đời sống cho người dân hơn là xem kỹ từng con số. Khi dân ấm no, không tạo thành những điểm "nóng" để kẻ xấu không có cơ hội lợi dụng xuyên tạc, phá hoại tinh thần đoàn kết của dân tộc trong cuộc chiến chống Covid-19".
Qua nghe báo cáo từ UBND tỉnh An Giang và ý kiến từ các Sở, ngành, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao việc An Giang triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhưng còn chưa linh hoạt, chưa sâu.
Thứ trưởng đề nghị An Giang đã lập danh sách, phê duyệt thì cần triển khai chi hỗ trợ sớm cho người dân, không để họ phải chờ đợi quá lâu.
Thứ trưởng Thanh còn lưu ý, vì sao An Giang có trên 65.000 lao động, dịch bệnh kéo dài hơn 3 tháng, khiến doanh nghiệp khó khăn, tạm ngừng hoạt động nhưng chỉ có hơn 6.000 lao động tạm ngừng việc được nhận hỗ trợ? Hay số công nhân bị ngừng việc do nằm trong khu phong tỏa, cách ly chỉ có 27 người? Các ngành, các đơn vị cần rà soát để chính sách đến tay người lao động.
Về số lao động hồi hương, Thứ trưởng Thanh đề nghị An Giang cần phải rà soát, cập nhật, thống kê trình độ của số lao động mới về địa phương để phân loại số lượng có trình độ, tay nghề và lao động phổ thông kết nối người lao động với doanh nghiệp trong tỉnh. Thông qua công nghệ thông kết nối với các tỉnh thành để giới thiệu việc làm cho những lao động muốn trở lại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai làm việc.
Ông Lê Văn Phước - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, dịch bệnh kéo dài gây khó khăn cho ngân sách tỉnh, chỉ riêng năm nay chi phí cho công tác phòng, chống dịch trên 1.000 tỷ đồng. Vì thế, một số chính sách hỗ trợ, hồ sơ đã được phê duyệt nhưng tiền hỗ trợ chưa đến tay người lao động.
Tuy nhiên, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Tài chính cân đối các nguồn chi để ưu tiên giải ngân đến các huyện, thành phố, khẩn trương chi tiền hỗ trợ cho các nhóm chính sách.
Hàng chục nghìn lao động hồi hương thời gian qua, có 40% lao động có tay nghề. Hiện UBND tỉnh đã liên hệ với một số địa phương để có kế hoạch đưa số lao động có nguyện vọng lên TP HCM, Bình Dương… làm việc trở lại. Riêng số lao động muốn tìm việc ở nhà, tỉnh giới thiệu đến các công ty thủy sản, may mặc, giày da… trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho số lao động này.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh An Giang, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cùng đoàn công tác đến thăm Công ty TNHH NV Apparel và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam - Chí nhánh tỉnh An Giang.