Sợ thuyền chìm, dân vạn chài thức trắng đêm canh lũ

Hoàng Tùng NA

(Dân trí) - Lũ về, các hộ dân xóm vạn chài dưới chân cầu Yên Xuân (Nghệ An) phải thức trắng đêm, sợ thuyền chìm.

Ngày 24/9, tại Nghệ An đã ngớt mưa nhưng nước từ thượng nguồn đổ về khiến sông Lam đục ngầu, cuồn cuộn chảy. Chiếc thuyền nhỏ của gia đình chị Phạm Thị Hoa (42 tuổi, xóm vạn chài xã Xuân Lam, Hưng Nguyên, Nghệ An), dù chằng buộc, neo vào cọc, trụ đá nhưng vẫn chòng chành theo dòng chảy.

Bình thường, vợ chồng chị Hoa và gia đình người con trai tá túc trên thuyền. Mấy ngày mưa lũ, căn lều nhỏ của gia đình người em chồng trên bãi bồi ngập đến nóc, cả nhà kéo lên thuyền chị Hoa chạy lụt. Thành thử, con thuyền "gánh" 11 người, cả trẻ con lẫn người lớn.  

Sợ thuyền chìm, dân vạn chài thức trắng đêm canh lũ - 1

Nước lũ ngập đến nửa căn nhà tạm, gia đình em chồng chị Hoa phải lên thuyền "chạy lụt" (Ảnh: Hoàng Tùng).

Chị Hoa buồn bã: "3-4 ngày qua mưa dữ dội, người lớn trong nhà không dám ngủ, thức trắng đêm canh lũ rồi thay nhau tát nước trong thuyền ra. Năm 2016, ảnh hưởng cơn bão số 2, thuyền nhà tôi bị chìm, may người không làm sao. Con thuyền này được các tổ chức, cá nhân ủng hộ, vừa là nơi trú ngụ, vừa là kế sinh nhai, nhỡ mà chìm, chúng tôi không biết bấu víu vào đâu".

Sống cạnh thuyền gia đình chị Hoa, là gia đình bà Phạm Thị Hà (54 tuổi). Con thuyền nhỏ nhưng là nơi sinh sống của 8 người thuộc 3 thế hệ. Bà Hà ngồi bó gối nhìn ra mặt sông mênh mông, nước đục ngầu. Chồng bà Hà đang nằm trong thuyền, đắp chăn rên hừ hừ.

"Mấy đêm rồi ông ấy thức trắng để canh lũ. Mưa lớn, lũ dâng nhanh, thuyền cũ quá rồi nên có trùm bạt che chắn, nước vẫn vào, phải tát ra. Không biết nước lũ hay con gì cắn mà mắt ông ấy sưng húp, phát sốt ra nhưng chưa đưa đi viện được", bà Hà rầu rĩ.

Sợ thuyền chìm, dân vạn chài thức trắng đêm canh lũ - 2

Bà Hà trên con thuyền nhỏ của gia đình (Ảnh: Hoàng Tùng).

Mùa mưa lũ, với gia đình chị Phạm Thị Thủy (35 tuổi) không chỉ là nỗi lo chìm thuyền, mà cả nỗi đau đớn, ám ảnh vì mất người thân. Nhà chị Thủy nhiều đời mưu sinh bằng nghề chài lưới. Dòng sông Lam là nơi cả gia đình mưu sinh, đắp đổi qua ngày bằng mớ tôm, mớ cá. Nhưng mùa lũ về, con nước bỗng trở nên hung dữ, sẵn sàng nhấn chìm cả những người vốn trọn đời bám víu vào nó.

"Năm 2021, cũng mùa lũ này, bố chồng tôi bị lật thuyền. Ông bơi giỏi lắm, dân sông nước mà, nhưng thuyền lật, sóng to, gió lớn, chẳng thể thắng nổi mệnh trời. Ít lâu sau, đứa cháu con em trai tôi, mới 18 tháng tuổi, rơi từ thuyền xuống, cũng chết đuối trên khúc sông này", chị Thủy kể, khuôn mặt nhợt nhạt vì những ngày dầm mưa và những đêm thức trắng.

Sau tai ương liên tiếp, nỗi ám ảnh mùa lũ bám chặt lấy tâm trí vợ chồng chị Thủy. Chị lo cho 3 con nhỏ, chẳng biết gửi đi đâu, chỉ mong lũ rút nhanh.

Sợ thuyền chìm, dân vạn chài thức trắng đêm canh lũ - 3

Mặc dù đã che chắn cẩn thận nhưng những con thuyền không thể chắn nước tạt vào mỗi khi mưa lớn (Ảnh: Hoàng Tùng).

Theo ông Nguyễn Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Xuân Lam, xóm "vạn chài" dưới chân cầu Yên Xuân gốc là người Quảng Bình, neo đậu, mưu sinh ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, sống bằng nghề chài lưới. Hiện có 13 hộ dân sinh sống trên các thuyền dưới chân cầu.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và chính sách hỗ trợ, con em vạn chài đã được lên bờ đi học.

"Trong số 13 hộ dân có một số hộ đã làm được nhà trên bờ hoặc có anh em, bà con sinh sống trên bờ. Mùa mưa lũ, các hộ này chuyển lên bờ hoặc đến tá túc nhà anh em. Còn 6 hộ với 26 nhân khẩu, xã đã có phương án sơ tán đến trụ sở UBND xã; chỉ đạo cán bộ thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, vận động người dân di dời khi không đảm bảo an toàn", ông Phận thông tin.

Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân xóm vạn chài, nhất là vào những ngày mưa lũ, theo ông Phận, cần quy hoạch khu tái định cư để đưa các hộ dân lên bờ. Vấn đề này chính quyền địa phương đã đề xuất cấp trên, đang chờ xem xét.