Số người già không có thu nhập tăng nhanh, tăng độ phủ BHXH là vấn đề lớn!
(Dân trí) - Việc sửa luật BHXH nhằm mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn thu hút người lao động tham gia BHXH; bảo đảm quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu...
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh những nội dung này tại hội thảo tham vấn về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội diễn ra ngày 7/4.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các bộ, ngành liên quan để tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan khái quát, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) được xây dựng nhằm bảo đảm an sinh xã hội (ASXH) của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018.
Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành Luật BHXH năm 2014 và Nghị quyết số 93/2015/QH13; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm yếu tố bình đẳng giới.
Việc sửa luật để mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH; đồng thời, bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động đang làm việc và người hưởng lương hưu. Hoàn thiện quy định quản lý nhà nước và hệ thống tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đánh giá, việc tổ chức hội thảo tham vấn về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) là hoạt động rất quan trọng và có ý nghĩa. Trong đó, tập trung trao đổi bàn luận sâu vào chủ đề phát triển đối tượng tham gia BHXH và đầu tư quỹ BHXH.
"Bộ LĐ-TB&XH mong muốn nhận được nhiều ý kiến tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các nhà khoa học và các đại biểu tham dự Hội thảo đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)", Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan phát biểu.
Trao đổi tại hội thảo, Trưởng chương trình phát triển nguồn nhân lực, World Bank (Ngân hàng Thế giới) Christophe Lemiere đánh giá, lần sửa đổi luật BHXH này, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều bước đi tích cực để sửa chế độ lương hưu thông qua việc tăng dần tuổi nghỉ hưu.
Đại diện Ngân hàng thế giới chỉ ra rằng, các chỉ tiêu tăng độ bao phủ BHXH là một trong những vấn đề lớn cần được giải quyết trong thời gian tới. Đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng ở Việt Nam, điều này có nghĩa là tỷ lệ người già không có thu nhập tăng lên rất nhiều.
"Số lượng người cao tuổi tăng lên đồng nghĩa với việc số người cần được hỗ trợ nhiều lên, đặc biệt những người già neo đơn. Họ cần có một cơ chế hưu trí, trợ cấp đủ tốt để tránh những tình huống xấu hơn về nghèo đói", ông Christophe Lemiere nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phía Ngân hàng Thế giới đánh giá, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có nhiều điểm hứa hẹn được đưa ra. Đáng chú ý là hướng mở rộng phạm vi đối tượng đóng BHXH liên quan đến nhóm đối tượng làm việc theo hợp đồng và nhóm đối tượng ở khu vực phi chính thức.
Ngoài ra, một số đề xuất rất tích cực như tăng tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đi kèm với các tỷ lệ đồng đóng góp, tức là trợ cấp mức đóng từ phía chính phủ cũng như tăng thêm các cơ chế trợ cấp ngắn hạn hoặc cơ chế hưu trí xã hội bằng việc giảm ngưỡng tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội này. Theo đại diện Ngân hàng thế giới, điều này sẽ giúp kiểm soát được nhiều rủi ro.
Về đề xuất liên quan đến việc rút BHXH một lần, đại diện World Bank (Ngân hàng Thế giới) cho biết, đề xuất này cho thấy cơ quan soạn thảo đang rất nỗ lực để hạn chế tình trạng này.
Luật BHXH (sửa đổi) với 5 nhóm chính sách bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.