Shipper nhảy cầu vì quá áp lực: Thu nhập bấp bênh, nợ nần chồng chất
(Dân trí) - Thu nhập bấp bênh, mang nợ vì gặp biến cố mà không có bảo hiểm, phải vay tiền chữa trị lúc bệnh tật, một nam shipper ở TPHCM đã nhảy từ cầu Phú Mỹ xuống sông Sài Gòn trong cùng quẫn, bế tắc.
Công việc không đảm bảo cuộc sống
Mới đây, sự việc một tài xế giao hàng (shipper) ở TPHCM quyết định nhảy cầu vì quá áp lực, đã khiến nhiều người xót xa.
Được biết, shipper là anh N.T.T.P (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM). Vợ của anh, chị T.T.M.H. cho hay, sự việc xảy ra vào chiều 7/5.
Anh P. làm nghề giao hàng hơn 2 năm qua, chị H. làm giáo viên. Hai vợ chồng dù không dư giả, giàu có, nhưng thu nhập vẫn đủ sức nuôi 2 con nhỏ. Thế nhưng, thời gian gần đây, anh P. được xác định có khối u, phải vay nợ bên ngoài để phẫu thuật với chi phí khoảng 40 triệu đồng.
"Làm shipper, không có bảo hiểm nên anh phải trả rất nhiều tiền. Phẫu thuật xong, anh không thể đi làm nên ở nhà một thời gian. Chẳng những không trả được nợ, anh còn phải vay nợ để có tiền lo cho gia đình. Khoản nợ lãi mẹ đẻ lãi con, nhanh chóng tăng lên đến vài trăm triệu đồng", chị H. nói.
Đến khi đi làm trở lại, thu nhập ít ỏi cũng không giúp anh P. trả nổi số nợ. Hằng ngày, anh ra khỏi nhà từ 4h sáng, bắt đầu "cày cuốc" đến tối muộn mới về nhà.
"Chồng không kể nhưng tôi biết công việc của anh rất áp lực. Thu nhập từ công việc cũng không ổn định, tùy thuộc vào số đơn hàng giao thành công. Nhiều lúc còn bị "bom" hàng, chồng tôi phải rong ruổi ngoài đường cả ngày để giải quyết", người vợ nghẹn lời kể bên giường bệnh của chồng.
Công việc mệt mỏi, thu nhập bấp bênh, nợ nần chồng chất, anh P. thấy bế tắc, đã dại dột là nhảy từ cầu Phú Mỹ xuống sông Sài Gòn, định từ bỏ cuộc sống. Trước khi nhảy xuống sông, anh đã gửi tin nhắn xin lỗi vợ, con và nhờ một người đồng nghiệp giúp hoàn thành nốt các đơn hàng trong ngày.
"May mắn, chồng tôi được cứu, đưa lên bờ, đến bệnh viện cấp cứu. Anh được chẩn đoán bị gãy chân, rách vết mổ ở hậu môn, mất máu nhiều. Hiện chồng tôi được lưu điều trị, theo dõi tại Bệnh viện 115 vì bác sĩ nghi anh còn chấn thương khác nữa", chị H. cố giữ giọng bình tĩnh hơn.
Chịu những trận "bom" hàng, mắng chửi
Dưới bài viết chia sẻ về câu chuyện của anh P., nhiều shipper cũng bày tỏ đồng cảm với áp lực lớn từ công việc "chân không chạm đất, cật chẳng đến trời" mang lại.
Anh Hoàng Vũ, shipper tại TPHCM, bộc bạch vì công việc phải làm việc thường xuyên ngoài trời dù có nắng hay mưa vẫn phải phơi mặt. Làm việc hơn 12 tiếng/ngày để đổi lấy thu nhập 400-500.000 đồng, thực tế, số tiền còn lại với mỗi shipper cũng không được bao nhiêu, sau khi trừ chi phí.
"Nắng nóng thì rát da, nhiều lúc tôi còn chóng mặt, chao đảo tay lái. Có hôm tôi mệt đến mức đổ cả máu mũi mà vẫn phải ráng làm tiếp. Mùa mưa còn vất vả hơn, vừa phải chạy nhanh để hàng không bị ướt, vừa phải thi gan, luyện tay sao để không gặp tai nạn", anh Duy bộc bạch.
Nam shipper trải lòng, làm nghề này, một ngày nghỉ là một ngày đói, vậy nên chỉ hôm nào ốm nặng, không gắng gượng được mới dám ở nhà. Nếu không, dù cơ thể mệt mỏi thế nào, anh cũng phải lao ra đường mưu sinh.
Shipper Lê Duy cũng chia sẻ, anh rất thấu hiểu áp lực nặng nề mà người đồng nghiệp nhảy cầu miêu tả. Một khi mang bệnh nặng hay sự cố xảy ra, shipper thường chỉ có thể nằm nhà chịu trận vì không có tiền, không có bảo hiểm hay bất cứ chế độ phúc lợi, đảm bảo gì.
Đó là lý do sau một thời gian làm nghề, anh Duy dự định tìm công việc khác ổn định hơn. Theo anh, đây chỉ nên được xem là nghề phụ, kiếm thêm lúc rảnh rỗi.
"Lắm lúc, khách không hiểu công việc của chúng tôi, chỉ biết lớn tiếng, trách móc. Thậm chí, có người hiểu lầm chúng tôi lừa đảo mỗi khi họ nhận được món hàng không ưng ý. Nhiều người còn không thèm nghe điện thoại, "bom" hàng, để mặc cho tôi đứng ngoài nắng chờ trong vô vọng", anh Duy thở dài, nói.
Theo khảo sát nhóm 270 người lao động là các lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ và giúp việc gia đình (trong đó có 182 người là lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ) của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), do đặc thù công việc, nhóm lái xe, giao hàng công nghệ phải đối mặt với áp lực cường độ làm việc cao, tai nạn lao động; nguy cơ bị lạm dụng/quấy rối; cướp giật… Hầu hết, họ đều bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc.
Về phúc lợi, hầu hết người lao động không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, Tết... Người lao động chủ yếu nhận 2 chế độ chính là tiền thưởng/hoa hồng - thưởng do làm vượt định mức và tip của khách hàng.
Trong khi đó, thời gian làm việc của nhóm đối tượng này rất cao. 6% người lao động được khảo sát đang làm việc trên 12 giờ/ngày, 40% số người lao động làm 7 ngày/tuần. Điều này cho thấy nhóm lao động này đang làm việc cường độ rất lớn, ảnh hưởng đến việc tái tạo sức lao động.
Hầu hết họ chỉ có giao kết hợp đồng công việc/hợp đồng đối tác mà không có hợp đồng lao động, với tỷ lệ 79,26%. Thực tế, chỉ 2% có hợp đồng lao động.