"Sau 65 năm, gia đình vỡ òa hạnh phúc khi chú tôi được công nhận liệt sĩ"
(Dân trí) - Sau 65 năm, những "chàng trai" đất Quảng nằm xuống tại tỉnh Lạng Sơn đã về với quê mẹ. Họ trở về cùng tấm Bằng "Tổ quốc ghi công" thể hiện sự tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1046 về việc cấp Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 264 liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong số này có 4 liệt sĩ là thanh niên xung phong (TNXP) quê Quảng Ngãi hy sinh khi làm nhiệm vụ xây dựng tuyến đường sắt tại Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn).
Sau 65 năm, những liệt sĩ tuổi đôi mươi đã được đưa trở về quê mẹ cùng tấm Bằng "Tổ quốc ghi công". Họ trở về trong niềm vui của gia đình, của đồng đội. Ông Nguyễn Ngọc Ban - thân nhân liệt sĩ Nguyễn Hoài (thị xã Đức Phổ) - vẫn nhớ như in ngày người chú được công nhận liệt sĩ.
"Cha tôi năm nay 94 tuổi rồi. Ông đã bật khóc khi biết tin chú tôi được công nhận liệt sĩ. Một cảm giác tự hào khi sự hy sinh của chú đã được Tổ quốc công nhận sau 65 năm", ông Ban chia sẻ.
Theo lời kể của gia đình, chàng trai Nguyễn Hoài sinh năm 1936 và nhập ngũ năm 1953 tại Đoàn TNXP Trung ương. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ phục vụ mặt trận Bắc Tây Nguyên, hầu hết các đội viên TNXP đều bị đau ốm, sốt rét ác tính.
Thế nhưng, đội viên Nguyễn Hoài cùng hàng ngàn TNXP khác vẫn hăng hái lên đường thực hiện nhiệm vụ mới tại tuyến đường sắt Lạng Sơn. Đến năm 1955, đội viên TNXP Nguyễn Hoài hy sinh khi mới tròn 19 tuổi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ban, một thời gian sau khi chú ông mất, gia đình mới nhận được tin. Mãi đến sau này, gia đình ông được biết phần mộ của chú được chôn cạnh 3 phần mộ khác tại TP. Lạng Sơn. Điều day dứt nhất của gia đình là thời điểm đó, do một số vướng mắc nên sự hy sinh của chú ông vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.
"Cha tôi luôn trăn trở về việc này. Khi sức khỏe đã yếu, ông giao cho tôi phải tìm hiểu thông tin để làm chế độ liệt sĩ cho chú. Ông bảo không làm được liệt sĩ thì phải làm cái kỷ niệm chương để chú tôi ấm lòng", ông Ban chia sẻ.
Theo ông Ban, trước kia, việc công nhận liệt sĩ cho một số trường hợp còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là với đội viên TNXP. Những vướng mắc này khiến nhiều gia đình có người hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc có phần chạnh lòng.
Sau hàng chục năm mang hồ sơ đi khắp nơi, chế độ chính sách cũng có nhiều thay đổi nên sự hy sinh của ông Nguyễn Hoài đã được Tổ quốc ghi công. Không chỉ gia đình ông Nguyễn Ngọc Ban mà hàng trăm gia đình khác cũng vỡ òa cảm xúc khi người thân được công nhận liệt sĩ sau nhiều năm chờ đợi.
"Chú tôi là 1 trong 5 thanh niên xung phong hy sinh trong giai đoạn 1954 - 1956 và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì trong việc thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng quyết định. Nhờ sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các đơn vị, đến tháng 7/2020, chú tôi đã được công nhận liệt sĩ", ông Ban nói.
Hiện nay, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Hoài vừa được đưa về nghĩa trang liệt sĩ phường Phổ Ninh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi).
Ông Bùi Thanh Dũng - Trưởng phòng Người có công (sở LĐ-TB&XH) Quảng Ngãi cho biết thêm, rất nhiều cơ quan, đơn vị đã cùng phối hợp để 4 đội viên TNXP quê Quảng Ngãi hy sinh từ năm 1955 tại Lạng Sơn được công nhận liệt sĩ.
Cuối tháng 11 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp tiếp nhận hài cốt của 4 liệt sĩ từ Ban chỉ đạo 515 tỉnh Lạng Sơn. Sau đó, hài cốt được đưa về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương là nguyên quán của liệt sĩ để làm lễ truy điệu, an táng theo quy định.