Sau 2 năm, bỗng dưng bị "đòi lại" tiền trợ cấp thất nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Chị Phương được nhận trợ cấp thất nghiệp đến tháng 9/2022. Đầu tháng 9/2022, chị đi làm lại. Đến nay, bỗng dưng chị nhận được yêu cầu hoàn trả 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Năm 2022, chị Phương nghỉ việc và được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2022.

Tháng 9/2022 là tháng cuối cùng chị được nhận trợ cấp thất nghiệp và chị đã nhận trước khi tham gia lại bảo hiểm xã hội (BHXH) ở công ty mới.

Tuy nhiên, đến nay, chị Phương bất ngờ nhận được thông báo hoàn trả lại 1 tháng hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan BHXH.

Chị Phương bất ngờ vì chị bắt đầu đi làm ở công ty mới từ tháng 9/2022 nhưng trong quá trình thử việc, chưa ký hợp đồng lao động.

Phương thắc mắc: "Tôi muốn kiểm chứng lại sự việc này có đúng quy định không? Nếu đúng thì tại sao đến hôm nay là gần 2 năm rồi mới thông báo mà không báo sớm hơn?".

Sau 2 năm, bỗng dưng bị đòi lại tiền trợ cấp thất nghiệp - 1

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại TPHCM (Ảnh: H.Như).

Theo BHXH Việt Nam, căn cứ vào quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP) thì người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong bốn trường hợp sau.

Thứ nhất, người lao động đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên.

Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, người lao động có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm.

Thứ ba, người lao động có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp.

Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh.

Thứ tư, người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm.

Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

Điểm b Khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm quy định, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên, tại thời điểm chị Phương được xác định có việc làm (tháng 9/2022) thì chị sẽ bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sau 2 năm, bỗng dưng bị đòi lại tiền trợ cấp thất nghiệp - 3

BHXH Việt Nam cho biết: "Theo Khoản 4 Điều 53 Luật Việc làm thì đối với trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm, thời gian đóng tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ được bảo lưu làm căn cứ tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo".

Tuy nhiên, Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020/NĐ-CP) quy định: "Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày có việc làm, người lao động phải thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp".

Nếu không thông báo đúng thời hạn nêu trên, người lao động sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp.