Đắk Lắk:
"Ra tù, tôi sợ nhất sự kỳ thị!"
(Dân trí) - Từng mắc sai lầm và phải trả giá nhiều năm tù giam, trở về địa phương, những người chấp hành xong án phạt tù sợ nhất là ánh mắt kỳ thị, dè chừng của xã hội.
Khát khao làm lại cuộc đời
Công an thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật đối với người chấp hành án hình sự (tù treo) và chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.
Tại hội nghị, gần 200 người đã chấp hành xong án phạt tù đã gửi những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng đến cơ quan chức năng để giải đáp. Họ mong muốn sau khi trở về địa phương sẽ có việc làm ổn định, làm công dân có ích cho xã hội.
Anh Nguyễn Văn Phương (43 tuổi, ngụ thị xã Buôn Hồ) chia sẻ, do nghe lời xúi giục của bạn bè khi đang túng thiếu, anh đã mua bán trái phép chất ma túy. Sau đó, anh bị bắt và bị kết án 7 năm tù.
Khoảng thời gian trong tù, anh Phương ân hận về những việc làm sai trái của mình. Anh cũng như rất nhiều phạm nhân khác đã phải thốt lên từ "giá như" đừng phạm sai lầm. Với anh, ngần ấy năm trong trại giam đã giúp anh tỉnh ngộ và khao khát được làm lại cuộc đời mới.
Chấp hành án xong, anh Phương quyết định về địa phương sinh sống và tìm việc làm. Tuy nhiên, khi quay về, anh rất buồn trước sự kỳ thị của nhiều người.
"Ra tù, tôi sợ nhất sự kỳ thị. Tôi xin việc nhiều nơi nhưng cứ đưa hồ sơ ra là họ lại lắc đầu từ chối. Tôi rất buồn khi nhiều người chưa thông cảm cho người từng lầm lỗi", anh Phương nghẹn ngào.
Với mong muốn làm lại cuộc đời, không đi vào "vết xe đổ", anh Phương đã xin làm công nhật đủ thứ nghề và khát khao được vay một số vốn để làm ăn.
"Mới đây, tôi được các cán bộ công an thị xã Buôn Hồ hỏi thăm về nguyện vọng của cá nhân, tôi có đề xuất việc mong muốn có số vốn để tự kinh doanh nho nhỏ, rất mong đề xuất của tôi được tạo điều kiện hỗ trợ", anh Phương chia sẻ.
Giúp người từng lầm lỗi khởi nghiệp
Chị H'Sala Mlô (36 tuổi, ngụ buôn Trang, xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ) từng vướng vòng lao lý do một phút nóng giận, không kiềm chế được bản thân.
Chị H'Sala Mlô kể, sau một thời gian ly hôn chồng, có một người đàn ông trong Buôn ngỏ ý tìm hiểu chị. Quãng thời gian 2 người qua lại với nhau, chị H'Sala Mlô phát hiện người này không phù hợp với mình nên không đồng ý tiến tới. Không được đáp lại tình cảm, người đàn ông mỗi lần uống rượu vào đều đến nhà chị quậy phá.
Trong một lần chị H'Sala Mlô đang làm rẫy, người này mang hung khí đến phá vườn cà phê của chị. Quá trình 2 bên xô xát nhau, chị cầm dao và đâm trúng người đàn ông, gây thương tích 35%.
Sau đó, chị bị kết án 4 năm 6 tháng tù. Do cải tạo tốt, chị H'Sala Mlô được ra tù sớm hơn thời hạn.
Quay về nhà, người phụ nữ lo lắng, sợ bà con buôn làng kỳ thị nên dự định đưa 3 người con xuống TPHCM để làm thuê, sinh sống. Tuy nhiên, với sự động viên của chính quyền địa phương, lực lượng công an, chị H'Sala Mlô mạnh dạn ở lại buôn làng lập nghiệp.
"Tôi may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp và còn được Hội phụ nữ huyện trao tặng 10 triệu đồng tiền vốn làm ăn. Giờ tôi vừa làm nghề phụ nấu đám cưới, vừa chăn nuôi, kinh tế khấm khá hơn, con cái được đi học đầy đủ", chị H'Sala Mlô phấn khởi.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Ea Siên - cho biết, từ đầu năm đến nay, xã tiếp nhận 10 công dân chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Đa số mang tâm lý nặng nề, bị dòng họ, lối xóm kỳ thị phân biệt đối xử và có ý định đến các thành phố để làm ăn.
"Chính tâm lý nặng nề, khó được xã hội chấp nhận dẫn đến người chấp hành án xong không có công ăn việc làm ổn định, dễ sa ngã, tái phạm tội.
Do đó, cơ quan công an, chính quyền địa phương luôn tạo hỗ trợ việc làm cho những công dân, tạo điều kiện để họ vay vốn của ngân hàng chính sách. Thực tế chứng minh có nhiều công dân đã rất thành công sau khi trở về địa phương", ông Cường cho hay.
Thiếu tá Lê Đình Đô - Phó trưởng Công an thị xã Buôn Hồ - chia sẻ thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với các ban, ngành huy động sức mạnh của hệ thống chính trị, của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp giúp người chấp hành xong án phạt tù và người đang chấp hành án hình sự tái hòa nhập cộng đồng, xóa bỏ sự mặc cảm, tự ti.
"Đến nay nhiều mô hình được triển khai, giúp trên 300 triệu đồng cho các công dân chấp hành xong án phạt tù an tâm xây dựng kinh tế, không quay lại con đường phạm tội. Sắp tới Công an thị xã Buôn Hồ sẽ tích cực nhân rộng những mô hình nhân văn, ý nghĩa, thiết thực để những người ra tù làm lại cuộc đời, phát triển kinh tế", Thiếu tá Đô nhấn mạnh.